Ảnh minh họa
Chỉ có ¼ dự án được khởi công
Tuần trước, trong một văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đã chỉ ra một thực trạng, hiện cả nước mới chỉ có 39 dự án nhà giá thấp được khởi công, đạt 26% so với dự kiến bởi đa phần dự án nhà giá thấp chậm được khởi công là do không được ưu đãi về thuế, nhiều dự án khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Những
nguyên nhân trên khiến cho có một thực trạng không ai muốn tồn tại,
nhất là ở khu vực phía Bắc, đó là giá thành căn hộ đã hoàn thành khá
cao, làm giảm khả năng tiếp cận của người thu nhập thấp và giảm hiệu quả
của các chủ đầu tư… Một ví dụ là mới đây, hàng chục người đủ tiêu chuẩn
đã phải từ chối ký hồ sơ mua nhà, khi dự án nhà thu nhập thấp của Cty
CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) tại Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) được
chủ đầu tư tạm tính giá tới 13,27 triệu đồng/m2, quá cao so với khả năng
chi trả của người mua.
Tính ra, một căn hộ chừng gần 80 m2 có giá tới gần tỷ đồng, là mức giá cao nhất trong các dự án nhà thu nhập thấp từ trước đến nay trên địa bàn Hà Nội. "Người thu nhập thấp lương không quá 5 triệu đồng mỗi tháng, vậy bao giờ chúng tôi mới có tiền để mua được một căn hộ với giá xấp xỉ một tỷ đồng" – một khách hàng đã phải ngậm ngùi bỏ suất than vãn như vậy.
Giá cao, DN tự “bươn trải”
Lý
giải về mức giá hơn 13 triệu đồng/m2 nhà thu nhập thấp Sài Đồng, đại
diện Cty CP Xây dựng số 3 Hà Nội cho hay, có mức giá đó do tòa nhà quy
mô hơn và cao hơn các căn hộ thu nhập thấp khác, việc xây dựng hầm và
ứng dụng công nghệ xây dựng cũng làm cho chi phí xây dựng phát sinh cao
hơn. Trong đợt này, Cty bán ra 420 căn hộ nhà thu nhập thấp ở Sài Đồng,
và các danh mục, vật tư được chủ đầu tư tính toán theo đúng công bố giá
của thành phố và chỉ có lợi nhuận 10% theo đúng quy định.
Thêm
vào đó, chính sách không rõ ràng cũng ảnh hưởng tới giá nhà thu nhập
thấp. Năm 2009, Chính phủ có Quyết định 34 miễn thuế cho DN với những dự
án nhà thu nhập thấp, đến năm 2010 thì thu 5%, còn thời điểm hiện tại thì không có một văn bản nào hướng dẫn miễn hay giảm thuế.
Một tổ chức quản lý nhà ở xã hội – nên chăng?
Trong một báo cáo mới đây gửi Bộ Xây dựng, UBND TP. HCM cho rằng, một hạn chế của thị trường BĐS hiện nay là sự tham gia của Nhà nước còn mờ nhạt, chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng phải “vừa quản lý tốt thị trường, vừa là nhà đầu tư BĐS lớn nhất” như tinh thần Nghị quyết TƯ 7 khóa X và Đại hội X đã nêu. Hiện Nhà nước chỉ mới quản lý chứ chưa thể hiện vai trò điều tiết thị trường, chưa có DNNN tham gia đầu tư xây dựng trực tiếp quỹ phát triển nhà ở xã hội, ký túc xá để quản lý và phát triển hiệu quả quỹ đất do Nhà nước quản lý.
Tại dự án nhà thu nhập thấp ở Đặng Xá (Gia Lâm) của chủ đầu tư Viglacera, có tổng số 946 căn, với 3 toà chung cư trong đợt 1 (5/2011) mở bán căn hộ, có 300 hồ sơ hợp lệ nhưng chỉ có 200 người đến bốc thăm ký hợp đồng; đợt 2 (7/2011) có 400 hồ sơ hợp lệ được bốc thăm căn hộ và đang trong quá trình làm hợp đồng mua bán, nên cũng chưa biết số người quay lại ký hợp đồng là bao nhiêu. “Trên thực tế, chúng tôi cũng bí vốn bởi quy định của Chính phủ làm dự án nhà thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi nhưng thực tế dự án tại Đặng Xá mới chỉ được giải ngân 10% vốn ưu đãi so với tổng thể dự án là 100 tỷ trong khi ngân hàng cũng rất hạn chế cho vay bất động sản” – đại diện chủ đầu tư nói. |