CafeLand - Sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư quốc tế và khu vực là sự đảm bảo rằng nhu cầu đối với thị trường bất động sản châu Á vẫn sẽ mạnh mẽ trong những tháng tới.

Các đơn vị tư vấn dự báo rằng các nhà đầu tư bất động sản toàn cầu sẽ tiếp tục dồn sự chú ý vào thị trường châu Á trong năm 2021, tiếp nối những kết quả mạnh mẽ được ghi nhận trong ba tháng đầu năm. Theo Real Capital Analytics, lượng vốn đầu tư vào bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương trong quý đầu tiên của 2021 đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 43,4 tỷ USD.

Terence Tang, Giám đốc điều hành thị trường vốn và dịch vụ đầu tư tại châu Á của Colliers, cho biết mức đầu tư vào bất động sản sẽ tăng thêm 10% đến 15% trong thời gian còn lại của năm. Điều này có nghĩa là khối lượng giao dịch sẽ đạt từ 196 tỷ đô la đến 205 tỷ đô la, nhiều hơn so với mức 178 tỷ đô la được ghi nhận vào năm 2020.

Tương tự, Tim Graham, người đứng đầu mảng chiến lược vốn tại châu Á - Thái Bình Dương của JLL, cũng tin rằng mức tăng sẽ từ 10% đến 15%. Henry Chin, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE, thì thận trọng hơn một chút khi dự báo từ 5% đến 10%.

Sự gia tăng nhu cầu đầu tư vào bất động sản ở châu Á - Thái Bình Dương là một phần trong xu hướng chuyển sang tiếp cận các loại tài sản tư nhân của nhà đầu tư trên toàn cầu. JLL ước tính vốn đổ vào bất động sản sẽ chiếm 10,9% tổng giá trị tài sản của các tổ chức đầu tư trên toàn cầu vào đầu năm 2022, tăng từ 10,6% vào đầu năm 2021 và 10,5% vào đầu năm 2020.

CBRE ước tính rằng chỉ riêng các quỹ đầu tư tư nhân trên thế giới sẽ có 300 tỷ USD dành cho các giao dịch bất động sản, mặc dù đơn vị này không công bố một con số riêng cho châu Á.

Graham dự báo châu Á có thể sẽ đón nhận ​​nhiều dòng vốn mới, phù hợp với mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư trên toàn cầu dành cho khu vực này.

Ông nói: “Trong thập kỷ vừa qua, các ​​hoạt động của thị trường bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương đã tăng nhanh hơn 2 đến 3 lần so với tốc độ tăng trưởng ở khu vực EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) và Mỹ”. Ông cho biết các nhà đầu tư trên toàn cầu đã bị thu hút bởi sự mở rộng của các giao dịch trong khu vực, dựa trên hình thức tái vốn và liên doanh là phổ biến.

Các nhà quản lý quỹ tại châu Á chứng kiến tốc độ gia tăng giá trị tài sản lên nhanh chóng nhờ động lực từ các nhà đầu tư trong nước. Joseph Lee, đồng Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Igis Asset Management, công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Seoul, cho biết họ dự định ra mắt một quỹ dành cho bất động sản hậu cần trị giá 300 triệu USD, và một quỹ dành cho các trung tâm dữ liệu trị giá 120 triệu USD trong những tuần tới. Trước đó, họ đã ra mắt một quỹ đầu tư bất động sản trị giá 110 triệu USD vào tháng 12/2020.

Ông Lee nói: “Vài tháng gần đây, chúng tôi đã chứng kiến hoạt động huy động vốn tích cực của các tổ chức Hàn Quốc để đầu tư vào bất động sản trong nước. Nhiều nhà đầu tư đã lên kế hoạch ngân sách phải triển khai cho cả năm. Kể từ khi đại dịch xảy ra vào tháng 3, họ không thể ra nước ngoài và do đó phải phân bổ nguồn vốn này [vào các dự án trong nước]”.

Các dòng vốn bên trong khu vực đổ vào bất động sản cũng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. Theo khảo sát của CBRE trên 492 nhà đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương được công bố vào tháng 4/2021, 59% số người được hỏi cho biết họ sẽ tăng vốn đầu tư so với năm trước, chỉ 8% cho biết họ sẽ đầu tư ít hơn.

Theo JLL, dòng vốn xuyên biên giới từ các nhà đầu tư châu Á đang tăng lên. Trong quý đầu tiên của năm 2021, họ đã rót tổng cộng 3,3 tỷ USD vào bất động sản, cao hơn 31% so với quý đầu tiên vào năm 2020.

Các nhà đầu tư trong khu vực đã nhìn thấy giá trị của việc vươn ra khỏi thị trường nội địa. Graham cho biết: “Lợi ích của việc đa dạng hóa danh mục đầu tư - cả ở cấp độ ngành và cấp độ địa lý - đã được nhấn mạnh trong thời kỳ đại dịch, khi một số thị trường và nền kinh tế chứng tỏ được hiệu quả hoạt động tốt hơn cả về tính thanh khoản và giá trị bất động sản”.

Sự quan tâm từ châu Âu

Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản châu Á cũng đã thu hút các nhà đầu tư lớn ở bên ngoài khu vực.

Vào tháng 6/2020, Allianz Real Estate, công ty quản lý tài sản và đầu tư bất động sản thuộc tập đoàn tài chính Allianz đến từ Đức, đã công bố quan hệ đối tác chiến lược với quỹ Dịch vụ Hưu trí Quốc gia (NPS) của Hàn Quốc. Họ đã hợp tác xây dựng một nền tảng đầu tư trị giá 2,3 tỷ đô la - với khả năng tăng vốn lên 4,6 tỷ đô la - để phát triển một danh mục đầu tư cốt lõi đa dạng gồm các bất động sản chất lượng cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Danny Phuan, người đứng đầu bộ phận thu mua tại châu Á - Thái Bình Dương của Allianz Real Estate, cho biết: “Các thị trường châu Á - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục sôi động bất chấp Covid-19”. Ông cho rằng động lực đến từ các yếu tố cơ bản về kinh tế vĩ mô và nhân khẩu học dài hạn trong khu vực, cũng như mức tiết kiệm và đầu tư cơ sở hạ tầng cao.

“Thanh khoản bất động sản vẫn ở mức cao, dẫn đến sự cạnh tranh và gia tăng giá trị vốn đầu tư trên hầu hết các lĩnh vực. Các chủ sở hữu bất động sản tại châu Á vẫn được vốn hóa tốt và lợi ích đầu tư trong khu vực vẫn ở mức cao. Nhờ đó, thúc đẩy các xu hướng đầu tư siêu lớn và lãi suất phi rủi ro ở mức âm, từ đó làm tăng lợi suất đầu tư của lĩnh vực này”.

Lam Vy (Asian Investor)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.