Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nếu người dân được ở căn hộ khang trang nhưng diện tích vừa phải, giá rẻ thì cũng là mong ước của rất nhiều người. Thế nhưng, đó là lý lẽ của sự ủng hộ. Còn lý lẽ của người phản đối loại hình nhà 25m2 này lại cho rằng, nhà 25m2 là phú quý giật lùi.
Hãy thử hình dung một căn nhà 25m2 với từ 3 đến 4 người ở, thì sẽ như thế nào. Tức là mỗi người bình quân chỉ hơn 6m2, trong đó bao gồm phần dành cho nhà vệ sinh, phần dành cho bếp, một phần dành cho chỗ ngủ. Với những đứa trẻ, thì 6m2 đó bao gồm cả chỗ để ngồi học, nơi đựng sách vở đồ dùng học tập. Như thế đủ cho thấy sự hạn hẹp không gian sống đến mức nào. Và với sự hạn hẹp như thế, thì khó có thể gọi đó là một căn hộ diện tích vừa phải hay một không gian sống khang trang như Bộ Trưởng Bộ Xây dựng nêu ra.
Xin nói rằng diện tích nhà bình quân đầu người năm 2009 ở nước ta đã là 18m2, sao nay lại phát triển nhà 25m2, tức mỗi người hơn 6m2, để phú quý giật lùi như thế. Cũng có những mô hình nhà thông minh diện tích 25m2 của Công ty FPT. Nhưng thông minh đến mấy thì cũng chỉ phù hợp cho một hộ gia đình 2 người ở, còn nếu đông hơn sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề đi theo về hạ tầng sinh hoạt.
Chưa thể khẳng định nhà 25m2 là nhà có chất lượng tồi. Nhưng nếu chất lượng tốt, cần kiến trúc không gian sống và tiện nghi đảm bảo hợp lý với diện nhỏ như thế, thì giá lại không nhỏ, người thu nhập thấp cũng vẫn khó với tới. Những căn hộ diện tích từ 60m2 trở lên ở các khu chung cư, được bán với giá khoảng 20 - 22 triệu/m2. Với việc chia nhỏ diện tích căn hộ thành 25m2, giá thành sẽ như thế hoặc đắt hơn. Bởi thường thì giá bình quân/m2 của những căn hộ nhỏ đắt hơn căn hộ lớn. Nghĩa là một căn hộ 25m2 giá của phải từ 400 đến 500 triệu, chưa tính các khoản chi cho nội thất để đạt được tiêu chuẩn gọi là nhà thông minh. Thử hỏi, mấy người thu nhập thấp nào mua được giá nhà đó?
Trái khoáy ở chỗ, hiện nay khi mức giá 400 đến 500 triệu là thấp nhất để có một căn hộ, thì rõ ràng, người thu nhập thấp không còn lựa chọn nào khác. Vì vậy, dù không muốn, nhiều người cũng vẫn phải cắn răng mà mua. Người mua dường như không được thỏa mãn quyền tiêu dùng, còn người bán sẽ thỏa mãn vì thắng lớn.
Giả sử có những căn hộ diện tích lớn gấp đôi, gấp ba được Nhà nước xây dựng và đứng ra cho thuê dài hạn vài chục năm, với giá thuê ưu đãi, chắc chắn người thu nhập thấp sẽ chọn phương án thuê nhà.
Để bảo vệ cho quan điểm Nhà 25m2, cũng có ý kiến lôi ví dụ từ tận bên Tây hay những nước Nhật Bản, Hàn Quốc ra nói rằng, họ cũng có nhà 20 đến 25m2, để áp dụng cứng nhắc vào nước ta cũng chưa chắc đã phù hợp. Tây rất khác ta. Đó là những nước phát triển, những nước công nghiệp, hạ tầng cơ sở của họ rất đồng bộ, đảm bảo cho cuộc sống đông đúc của đô thị không bị thiếu nước, cắt điện, tắc đường. Không bị chen chúc nhau nộp hồ sơ cho con đi học trường nọ trường kia, không bị quá tải các bệnh viện cấp thành phố và trung ương. Còn ở ta, nhiều đô thị xảy ra tình trạng ngược lại, cứ bước xuống đường đã thấy rầm rầm xe cộ, tắc đường, hễ mưa to là ngập.
Cũng lấy ví dụ từ bên tây, vậy sao chúng ta quên không học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển, xây dựng thật nhiều nhà cho thuê có diện tích rộng hơn, hợp lý hơn, đảm bảo không gian sống cho một gia đình, tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển cho trẻ em sinh sống tại đó.
Nhìn lại cách đây ba bốn chục năm, ngay từ ngày đó, Nhà nước đã xây những căn hộ tập thể với diện tích 25m2 không kể công trình phụ, tức khoảng 30m2 trở lên. Hiện nay tại nhiều khu tập thể, các hộ gia đình bức bối về không gian sống, đã thi nhau cơi nới, gây mất an toàn nghiêm trọng, mỹ quan thì được ví như nhà ổ chuột. Khi việc quản lý đô thị ở nước ta chưa tốt như hiện nay, thì ai có thể khẳng định rằng tình trạng đó không xảy ra với nhà 25m2.
Nói đi nói lại đều thấy, có lẽ mục tiêu lớn nhất của đề xuất xây Nhà 25m2 là nhằm giúp các chủ đầu tư hiện nay bán được chung cư. Các chung cư hiện nay đều có diện tích khoảng từ trên 50 m2 trở lên, nhưng từ năm 2010 trở lại đây rất ế, nhiều chủ đầu tư lâm vào khó khăn trầm trọng. Do vậy, nếu chia nhỏ các căn hộ ra, sẽ dễ thoát hàng. Nhưng, đó không phải là nhà thu nhập thấp, nên giá chắc chắn sẽ cao. Chính nhiều nhà kinh doanh bất động sản cũng thừa nhận điều này.
Thêm nữa, dễ nhận thấy một điều, lợi ích của việc chia nhỏ căn hộ chung cư này có lợi cho nhà đầu tư chứ không mấy có lợi cho người tiêu dùng. Bởi thứ nhất người mua vẫn có nguy cơ mua giá đắt. Thứ hai vì diện tích quá nhỏ, nên hai hộ gia đình sẽ phải làm chung một sổ đỏ, rất phức tạp khi có tranh chấp hay mua bán, sang tên. Thứ ba là hạ tầng điện, nước, vệ sinh, chỗ để xe, khuôn viên mẫu giáo, trường học được thiết kế cho giả sử 100 người, nay chia nhỏ căn hộ thành hai, số người ở tăng lên gấp hai, thì không thể đảm bảo tính an toàn, sự chịu đựng của các hạ tầng đó. Như thế, chẳng mấy chốc hạ tầng sẽ xuống cấp nghiêm trọng.
Chuyện xé nhỏ nhà chung cư ra bán chính là câu trả lời cho câu hỏi bấy lâu nay của dư luận xã hội, đó là tại sao giá nhà chưa giảm? Với những chiêu như thế này, thì chủ đầu tư ung dung hưởng lợi. Trong khi lẽ ra ròng rã từ những năm 2005 đến năm 2010, hầu hết các chủ đầu tư lãi siêu lợi nhuận gấp đôi gấp ba, thì giờ này phải giảm giá mạnh để bán hàng. Đó mới là quy luật cung cầu thị trường. Còn cứ giữ khư khư không chịu hạ giá, rồi kêu to kêu đau để tác động đế người làm chính sách ra những chính sách có lợi cho mình là một sự thiếu sòng phẳng./.