Theo dự báo, năm 2012 toàn ngành thừa ít nhất 6 triệu tấn. Giải pháp nào để ngành xi măng vượt khó trong bối cảnh tiếp tục thắt chặt tín dụng, đầu tư công. Thực tế hiện nay, nhất là về lâu dài, ngành xi măng không chỉ phải cạnh tranh ở trong nước mà còn cả trong khu vực khi muốn đẩy mạnh xuất khẩu.

Dự báo tình hình thừa xi măng sẽ tiếp tục xảy ra trong những năm tới

Năm 2012 toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, sản lượng dự kiến đạt 60 - 62 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa dự kiến khoảng 47 - 48 triệu tấn, xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn.

Gồng mình tiết giảm hàng loạt chi phí

Như vậy, số lượng thừa trong năm nay vẫn còn khoảng 6 triệu tấn theo quy hoạch phát triển ngành xi măng giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 được xây dựng trên nhu cầu tăng trưởng 10-15%/năm thời điểm 2006-2010.

Đặc biệt, khi BĐS đóng băng, sức mua của thị trường giảm là đòn mạnh giáng vào ngành xi măng đang trên đà mở rộng năng lực sản xuất. Theo đó, các TCty, tập đoàn kinh tế được khuyến khích phát triển theo hướng đa ngành đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy sản xuất xi măng. Các địa phương có đá vôi cũng ồ ạt cấp phép xây dựng nhà máy xi măng. Với công suất thiết kế 70 triệu tấn nhưng lại có hơn 100 DN sản xuất phân bổ trên cả nước, ngành xi măng đang gặp nhiều khó khăn bởi chi phí đầu vào tăng mạnh như: xăng dầu tăng 32 - 43%; điện tăng 15,28 - 19%; vỏ bao tăng 25% và than - nguồn năng lượng chính sử dụng trong ngành xi măng tăng gần 90%. Nhưng không một DN nào dám nghĩ đến việc tăng giá bán và phải chấp nhận đưa ra nhiều hình thức tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, các hình thức khuyến mãi hỗ trợ sau bán hàng để giữ khách hàng và giảm tồn kho hàng hóa đến mức hợp lý.

Cơ cấu lại danh mục nợ

Theo dự báo, năm 2012 toàn ngành thừa ít nhất 6 triệu tấn xi măng.

Theo tính toán của các chuyên gia ngành xi măng, trong vòng 3 - 5 năm tới, sẽ có thêm nhiều dự án xi măng khó khăn trong việc trả nợ do kết quả kinh doanh không khả quan dẫn đến mất cân đối về nguồn để trả nợ vốn vay. Hiện nay, 3 nhà máy xi măng đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, điển hình là Nhà máy xi măng Đồng Bành; Nhà máy xi măng Hạ Long của Tập đoàn Sông Đà; Nhà máy xi măng Cẩm Phả của Vinaconex… Theo báo cáo tài chính của Vinaconex đã được ĐHCĐ năm 2012 thông qua, sau 3 năm hoạt động xi măng Cẩm Phả lỗ lũy kế lên đến 1.259 tỷ đồng. Năm 2011 Vinaconex đã phải trích lập dự phòng 586 tỷ đồng, và năm 2012 dự kiến tiếp tục trích lập dự phòng đầu tư tài chính vào xi măng Cẩm Phả khoảng 960 tỷ đồng. Nhà máy Xi măng Hạ Long của Tập đoàn Sông Đà được hoạt động vào năm 2010, nhà máy có tổng vốn đầu tư 6.468 tỷ đồng. Sau 2 năm hoạt động, kết quả kinh doanh tính đến hết tháng 3/2012 của dự án lỗ 1.215 tỷ đồng. Hay nhà máy xi măng Đồng Bành, cũng là một trong những nhà máy xi măng đang hoạt động không hiệu quả đã lỗ lũy kế gần 197 tỷ đồng và hiện đã dừng hoạt động từ quý I/2012.

Việc rà soát lại quy hoạch phát triển ngành xi măng cho phù hợp với nhu cầu trong những năm tới là cần thiết. Bộ xây dựng cần sớm quán triệt quy hoạch để các chủ đầu tư, chính quyền các địa phương nắm được quy hoạch và quyết tâm thực hiện. Bộ cần phải kịp thời điều chỉnh ngay các dự án không phù hợp hoặc các chủ đầu tư không có năng lực triển khai dự án.

Dự báo tình hình thừa xi măng sẽ tiếp tục xảy ra trong những năm tới, với các nhà máy đang xây dựng đến năm 2014 công suất sẽ lên đến 80 triệu tấn xi măng/năm. Nếu không có giải pháp quyết liệt như kích cầu tiêu thụ xi măng, rà soát lại quy hoạch đầu tư phát triển xi măng theo hướng giảm, hoặc phải giãn một số dự án. Nếu không giải quyết triệt để thì sẽ có rất nhiều DN rơi vào tình trạng phá sản.

Theo Diễm Hương (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.