CafeLand - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa công bố báo cáo đánh giá thị trường bất động sản giai đoạn 2011-2020, trong đó chỉ rõ nguồn thu tiền sử dụng đất của TPHCM trong ba năm gần đây sụt giảm mạnh do thiếu nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở.

Hiệp hội dẫn số liệu từ Cục thuế TP.HCM cho thấy, nguồn thu tiền sử dụng đất cho ngân sách thành phố năm 2020 chỉ ở mức 7.634 tỷ đồng, thấp nhất từ năm 2011 và chỉ cao hơn số tiền thu được là 6.037 tỷ đồng trong năm 2014.

Ngay cả năm 2019, khi thị trường bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu giảm tốc rõ rệt, việc cấp phép dự án mới chững lại, nguồn thu tiền sử dụng đất của TP.HCM vẫn đạt ngưỡng 14.684 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với năm 2020.

Theo Hiệp hội, số thu tiền sử dụng đất trong ba năm gần đây (2018-2020) tiếp tục xu thế bị sụt giảm mạnh do thiếu nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở. Riêng nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2020 của thành phố sụt giảm còn do thị trường chịu tác động kép do đại dịch làm đình trệ thêm việc đầu tư xây dựng, mở bán dự án mới.

Số thu tiền sử dụng đất trong ba năm gần đây tiếp tục xu thế bị sụt giảm mạnh do thiếu nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở. Ảnh: Nguyễn Văn

Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu cho biết, “kết quả số thu ngân sách nhà nước từ thị trường bất động sản và từ nguồn đất đai, nhất là số thu tiền sử dụng đất, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ kinh doanh bất động sản địa ốc phản ánh đúng diễn biến của thị trường bất động sản thành phố, cũng thể hiện xu thế, diễn biến thị trường bất động sản của cả nước”.

Tổng số thu tiền sử dụng đất trong 10 năm (2011-2020) chỉ đạt 125.270 tỷ đồng, chỉ chiếm 4,26% tổng thu ngân sách của TP.HCM. Giai đoạn 2011-2014, số thu tiền sử dụng đất trong bốn năm này bị sụt giảm mạnh do hệ quả của thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng trong giai đoạn 2008-2013 (trừ năm 2010 thị trường phục hồi và tăng trưởng nóng).

Từ đầu năm 2014 thị trường tăng trưởng trở lại, nên số thu tiền sử dụng đất bật tăng kể từ năm 2015 đạt 16.073 tỷ đồng, gấp 2,66 lần so với năm 2014. Trong các năm 2016-2020, số thu tiền sử dụng đất đạt 75.372 tỷ đồng và bình quân chỉ chiếm tỷ lệ 4,15% tổng thu ngân sách của thành phố, giảm 0,11% so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Theo HoREA từ năm 2017 trở đi là giai đoạn phát triển đỉnh cao của thị trường bất động sản trong cả thập niên (2011-2020), nên số thu tiền sử dụng đất cao nhất (21.706 tỷ đồng năm 2017), nhưng cũng chỉ chiếm 6,19% tổng thu ngân sách thành phố.

Tuy nhiên, số thu tiền sử dụng đất tăng chủ yếu nhờ vào số lượng các dự án cũ đã được phê duyệt trước ngày Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực ngày 1/7/2015. Sau thời điểm này, hầu như các dự án nhà ở thương mại bị ách tắc thủ tục đầu tư, do vướng quy định phải có 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư.

Ông Châu phân tích thêm, số thu tiền thuê đất trong 10 năm qua chỉ đạt 35.517 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng thấp 1,21% trong tổng thu ngân sách thành phố.

“Kết quả số thu ngân sách từ đất đai, đặc biệt là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã không phản ánh đúng tiềm năng nguồn lực từ đất đai của thành phố. Bởi lẽ nguồn thu ngân sách từ đất đai có thể đạt khoảng trên dưới 15% tổng thu ngân sách nhà nước của địa phương thì mới hợp lý”, ông Châu nhận định.

Bên cạnh tiền thu ngân sách từ đất đai, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ kinh doanh bất động sản trong bốn năm (2017-2020) cũng chỉ đạt 15.376 tỷ đồng và có xu thế bị sụt giảm. Nhưng, cá biệt cũng có một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đạt lợi nhuận cao, nên nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tăng, nhất là đối với các doanh nghiệp được chỉ định làm chủ đầu tư dự án.

Việc chỉ định làm chủ đầu tư dự án có nguồn gốc đất công, trụ sở làm việc cũng là điểm trừ về tính chưa minh bạch của thị trường bất động sản.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.