Báo cáo tại phiên họp cho thấy, đến nay, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đã hoàn thành 34 dự án với gần 19.000 căn hộ, tổng mức đầu tư đạt 5.920 tỷ đồng. Hiện đang triển khai thực hiện 32 dự án, quy mô xây dựng khoảng 19.550 căn khác. Nhà ở xã hội dành cho công nhân đã hoàn thành 62 dự án, quy mô 12.500 căn hộ với tổng mức đầu tư trên 2.800 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 7/2013 đã có 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 34.000 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng.
Một thuận lợi khác đối với người thu nhập thấp là việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động và cởi mở hơn trong việc cho vay mua nhà ở, tâm lý nhà đầu tư tin tưởng hơn vào thị trường, nguồn vốn cho thị trường bớt căng thẳng. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã tích cực chủ động hơn trong việc đề xuất các giải pháp maketting bán hàng, khuyến mại, giao sản phẩm căn hộ xây thô để khách hàng tự hoàn thiện. Đặc biệt, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, một số dự án phát triển nhà ở đang có xu hướng chuyển đổi cơ cấu căn hộ sang diện tích nhỏ, hoặc chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Bên cạnh những thuận lợi nói trên, thị trường BĐS vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn nhất định. Cụ thể, tính đến hết tháng 6, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 108.773 tỷ đồng, giảm 15,4% so với Quý I/2013, bao gồm khoảng 27.805 căn chung cư, 15.007 nhà thấp tầng, hơn 2 triệu m2 đất nền thương mại,… Trong đó, Hà Nội tồn 9.651 căn hộ/nhà ở và TP. HCM là gần 13.000 căn hộ/nhà ở.
Thống kê từ các ngân hàng cũng cho thấy, tính đến đầu tháng 6/2013, tổng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS là 237.509 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2012, trong đó tỷ lệ nợ xấu là 6,53%.
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ – CP của Chính phủ và triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở, thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, sau gần 2 tháng triển khai, số liệu cập nhật đến 31/7/2013, kết quả gói tín dụng nhà ở khá khả quan. Trong đó, đã có 150 khách hàng là hộ gia đình, cá nhân được các ngân hàng cam kết cho vay với số tiền là 46,02 tỷ đồng, đã giải ngân được 33,46 tỷ đồng cho 139 khách hàng. Vietinbank hiện nhận được 160 hồ sơ xin cho vay, BIDV nhận được khoảng 100 hồ sơ; Vietcombank có 50 hợp đồng, giải ngân 11,7 tỷ.
Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn khó khăn về nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Đặc biệt như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có sản phẩm nhà đáp ứng đủ điều kiện để người dân có thể lựa chọn ký hợp đồng còn ít.
Nói về việc phát triển thị trường BĐS và giải quyết nhà ở xa hội trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng cần đa dạng hóa hơn nữa nguồn cung, chủng loại căn hộ/nhà ở phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là nhà cho thuê, nhà chính sách và nhà ở cho người có thu nhập thấp.
“Quỹ đất hiện không thiếu, nhưng tình hình triển khai vẫn chậm, dự án vẫn phải chờ như 34 dự án nhà ở sinh viên, 39 dự án nhà ở công nhân, 32 dự án nhà ở xã hội,… Vậy phải chăng cơ chế chưa thực sự hấp dẫn và còn cần tiếp tục giải quyết, khơi thông?”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.