Bỏ cuộc… vì không thể có gần 1 tỷ đồng
Đang phải sống cùng gia đình 6 người trong căn hộ rộng khoảng 20m2 ở khu vực Hoàn Kiếm, ông Đạt khấp khởi mừng thầm vì hồ sơ mua nhà được chấm tới 91 điểm, đủ tiêu chuẩn mua căn hộ tại dự án NTNT của Cty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) tại Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội). Song, chưa mừng được bao lâu, ông lại ngã ngửa người khi cầm hợp đồng mua bán căn hộ. Bởi lẽ, mỗi mét vuông được chủ đầu tư đưa ra mức giá tạm tính gần 13,27 triệu đồng (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì), tổng số tiền căn hộ của ông Đạt lên tới hơn 909 triệu đồng.
Nhiều người dân quyết định không ký hợp đồng mua nhà ở dự án NTNT Sài Đồng do không thể "kham" nổi giá bán. Ảnh: Nguyễn Lê
“Giá NTNT thế này quá cao so với khả năng chi trả của người mua là những người có thu nhập thấp như chúng tôi. Đây là dự án chủ đầu tư đưa ra mức giá cao nhất trong các dự án NTNT được bán từ trước đến nay, chủ đầu tư cần xem xét lại” – ông Đạt nhấn mạnh.
Không kém phần bức xúc, anh Vũ Văn Toàn, bốc thăm được căn hộ ở tầng 11 của tòa nhà cũng cho hay, với mức giá tạm tính của chủ đầu tư thì căn hộ trên 70 m2 của anh cũng đã ngót 1 tỷ đồng. Không chỉ bức xúc vì giá cao, anh Toàn còn bất bình trước tiến độ nộp tiền của dự án.
“Lẽ ra, đây là loại nhà chính sách cho những người TNT thì người dân phải được trả góp, trả chậm có thể sau 5 – 10 năm mới đúng. Đằng này góp vốn từng đợt liên tiếp: sau 5 ngày ký hợp đồng, thi công xong 5 tầng phần thô, thi công xong 11 tầng phần thô…. như thế này thì dân nghèo làm sao xoay sở kịp?. Thử hỏi, sau 5 ngày ký hợp đồng mà phải nộp ngay 25% tổng số giá bán căn hộ tạm tính, mỗi căn rơi vào khoảng trên 200 triệu đồng thì quả là vấn đề lớn. Nếu có sẵn chừng ấy tiền trong nhà để chờ đi nộp thì chúng tôi đã không còn ở diện TNT nữa. Như thế này thì chịu thôi, có lẽ phải xin gửi lại Nhà nước quyền mua nhà chính sách này”, anh Toàn phân trần.
Tiến độ đóng tiền của NTNT được chủ đầu tư đưa ra giống như các dự án nhà thương mại khiến người dân ngán ngẩm. Ảnh: Nguyễn Lê
Rất nhiều người dân bất bình trước cách phải đóng tiền theo tiến độ như các tòa nhà thương mại của chủ đầu tư. Như thế sẽ không còn ý nghĩa hay ưu đãi gì gọi là nhà chính sách nữa.
Ông Trần Quốc Tuấn, cũng thuộc diện gia đình chính sách khi ông là thương binh và đã được quyền mua căn hộ của dự án nhưng cũng tỏ ra ngán ngẩm với nhà chính sách vì chẳng biết lấy đâu ra tiền để đóng cho chủ đầu tư.
Cứ nhẩm tính, theo giá tạm tính, nếu mỗi căn hộ lên đến gần 1 tỷ đồng thì trong vòng 2 năm kể từ ngày ký hợp đồng, hàng tháng mỗi gia đình sẽ phải dành riêng ra một khoản tiền khoảng 40 triệu đồng. Điều này đúng là sự “đánh đố” đối với những người làm công ăn lương thuộc diện TNT.
Trước những bức xúc trên của người dân, chúng tôi đã liên lạc với đại diện của chủ đầu tư để làm rõ hơn vấn đề nhưng vẫn chưa thể gặp được.
Còn theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho hay, sở dĩ NTNT ở Hà Nội có giá cao vì NTNT nhưng chủ đầu tư vẫn lấy tiêu chuẩn theo kiểu nhà hiện đại, căn hộ diện tích lên tới 50 m2 trở lên, trang thiết bị nội thất đầy đủ. Chủ đầu tư đã quên mất rằng, người TNT thậm chí phải đun bếp than tổ ong, do đó, giá thành càng hạ càng tốt, căn hộ chỉ cần rộng khoảng 30 m2 là đủ.
Hiện chưa có căn hộ nào rộng 30 m2 trong các dự án NTNT. Ảnh: Nguyễn Lê
Ông Võ nhận định “Nếu NTNT có giá quá cao sẽ dẫn đến việc người mua nhà hụt hơi và họ sẽ từ bỏ quyết định mua nhà vì không kham nổi. Và tôi e rằng, nhà lúc đó sẽ buộc phải bán cho người thu nhập cao, còn người có mức sống bình dân thì vẫn không có nhà để ở”.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng ông Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, có quá nhiều yếu tố có thể tác động tới giá thành, từ khâu lập dự án, GPMB, tới chính sách thuế, giá nguyên vật liệu hay hạ tầng trong khu vực. Vì thế, giá NTNT khác nhau theo vị trí, thời điểm.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, sắp tới sẽ có văn bản gửi các chủ đầu tư phân khúc NTNT xem xét, xây dựng giá thành ngay trong quá trình thực hiện dự án đến khi công trình xong, với đầy đủ yếu tố kiểm soát giá thành trước khi công bố giá tới người dân kèm theo những giải trình về đơn giá và thuyết phục họ.
Theo nhận định của PV, giá tạm tính chủ đầu tư đưa ra để trình các ban ngành xem xét, quyết định mức giá chính xác cuối cùng cũng không có sự thay đổi nhiều, không thấp hơn là bao nhiêu. Không biết, cùng với những ưu đãi về thuế, miễn tiền sử dụng đất…. chủ đầu tư còn được lãi bao nhiêu khi xây dựng loại nhà này, nhưng với người dân nghèo thì mức giá gần 1 tỷ đồng/căn hộ thực sự vẫn chỉ là giấc mơ!
-
Nhà ở xã hội, “cầu cao, cung…ế“
Trong khi hàng vạn gia đình có thu nhập thấp vẫn đang ao ước một chỗ ở ổn định, thì có những dự án nhà thu nhập thấp trong tình trạng ế hàng. Tại sao trong một chính sách an sinh xã hội thu hút nhiều sự quan tâm lại tồn tại nghịch lý này?
-
Sau một thời gian thực hiện, việc bán nhà cho người thu nhập thấp đã bộc lộ nhiều nghịch lý cần được ngành chức năng xem xét, sửa đổi.