CafeLand – Số lượng dự án nhà ở có giá bán hợp túi tiền ngày càng khan hiếm, gói tín dụng 30.000 tỷ gần hết hạn cùng với các động thái siết van tín dụng cho vay bất động sản mới đây của ngân hàng đang khiến giấc mơ mua được nhà của người thu nhập thấp đô thị ngày càng xa vời.

Nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp đô thị là rất lớn.

Mua nhà là chuyện không tưởng

Từ Nghệ An, anh Trung vào TP.HCM học và làm việc ở đây đã hơn 10 năm, thế nhưng hiện tại gia đình 3 người của anh vẫn phải đi thuê trọ tại quận Thủ Đức. Nhắc tới chuyện mua nhà, anh Trung chỉ cười buồn, ước mơ có một căn nhà đã xuất hiện ngay từ khi anh mới đặt chân vào thành phố này, thế nhưng bây giờ đó là điều không tưởng. Anh thật tình chia sẻ, với thu nhập hiện tại của hai vợ chồng xấp xỉ gần 20 triệu/tháng, sẽ phải tính toán để dành 5 triệu là tiền cho đứa con trai đang học mẫu giáo, tiền phòng trọ mỗi tháng 3 triệu, tiền ăn của cả gia đình khoảng 6 – 7 triệu, ngoài ra còn các khoản như tiền xăng xe đi làm, tiền điện thoại, thỉnh thoảng lại có tiệc tùng, cafe với bạn bè, mua quần áo, quà cho con. Tính ra, với mức thu nhập như vậy tích cóp lắm mỗi tháng anh chị chỉ dư ra khoảng 3 triệu, nhưng số tiền này cũng phải để dành chứ không dám tiêu vì sợ trường hợp ốm đau, chuyện bất trắc.

Anh Trung cũng đã tìm hiểu một số dự án căn hộ nhưng đều phải lắc đầu vì cái giá bán vượt ngoài tầm với, mặc dù nó được gắn với cái mác là nhà cho người thu nhập thấp, trung bình. “Nếu nhà có giá khoảng 500 – 700 triệu thì mình có thể liều vay người thân rồi ngân hàng để mua ở, đằng này giá nhà thấp nhất cũng gần cả tỷ bạc thì khả năng của mình không thể có vay mượn ở đâu được”, anh Trung nói.

Quan sát trên thị trường hiện nay số lượng dự án có căn hộ giá trên dưới 1 tỷ đồng ngày càng khan hiếm trong khi đó lại đang bùng nổ nguồn cung căn hộ trung cao cấp. Theo đó, tại TP.HCM ước tính từ nay đến năm 2017 sẽ chào đón khoảng từ 50.000 - 60.000 căn hộ mới ra đời, trong đó phần lớn là căn hộ có giá trung và cao cấp.

Trong một báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra vào đầu tháng 12/2015 cho thấy, hơn 40% hộ gia đình tại Việt Nam thu nhập dưới 10 triệu/tháng không đủ khả năng để mua nhà. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, người dân chỉ có thể tích lũy ở mức 30 - 40% tổng thu nhập của mình để dành cho việc mua nhà. Tuy nhiên, hiện nay đang xảy ra nghịch lý giữa giá nhà và thu nhập của người dân khiến cơ hội có nhà ở của người dân rất thấp. Theo tính toán của ông Du, với giá nhà chính thức là 9,7 triệu đồng/m2 thì những người có thu nhập từ 5 đến 7,7 triệu đồng/tháng gần như không thể nào mua được nhà. Người có thu nhập từ 10,2-14,3 triệu đồng/tháng chỉ mua được nhà với diện tích rất nhỏ, từ 39-55m2. Muốn có một căn nhà rộng tương đối thì những người này phải có mức thu nhập khoảng 32 triệu/tháng. Mức thu nhập này thì phần lớn người dân hiện nay chưa thể đáp ứng.

Gói 30.000 tỷ hết hạn, dân vay tiền đâu mua nhà?

Gói 30.000 tỷ ra đời được xem là cứu cánh cho những người thu nhập thấp, giúp họ có nguồn tín dụng để vay mua nhà. Thế nhưng, chính những khó khăn trong thủ tục xét duyệt, giới hạn diện tích, giới hạn đối tượng được vay mua đã khiến cho gói hỗ trợ này bị ách tắc trong suốt một thời gian dài. Theo số liệu được Bộ Xây dựng công bố ngày 31/12/2015 thì tổng số tiền đã cam kết cho vay thuộc gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ về nhà ở là 26.999 tỉ đồng (đạt 90%). Trong đó, tổng số tiền đã giải ngân đạt 17.711 tỉ đồng, đạt 59% tổng gói tín dụng hỗ trợ. Được biết, gói tín dụng này ra đời từ ngày 1/6/2013 và sẽ hết hạn vào ngày 1/6 tới đây.

Theo đại diện NHNN, đến thời hạn 1/6, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ căn cứ vào số giải ngân chứ không căn cứ vào số đăng ký. Tức là khi gói vay hết hạn, dù người dân đã đăng ký vay nhưng không kịp giải ngân thì vẫn không được vay gói 30.000 tỷ đồng. Sau khi gói này hết hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi đối với nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ. Tuy nhiên, người dân băn khoăn liệu gói vay mới này khi nào mới đưa ra và cách xét duyệt, đối tượng, cũng như lãi suất có giống như gói 30.000 tỷ?.

Một động thái khiến người mua nhà không khỏi quan tâm đó là việc Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 36 theo hướng sẽ giảm mạnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ mức 60% xuống còn 40% và nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản từ mức 150% hiện nay lên mức 250%. Theo một chuyên gia bất động sản, người mua nhà sắp tới sẽ phải chịu vay với lãi suất cao hơn. “Hiện nay, lãi suất cho vay cá nhân bất động sản khoảng 11%, nếu áp Thông tư này được áp dụng sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng lên 12-12,5%, người mua nhà sẽ chịu thiệt hơn”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi Thông tư 36 người thu nhập thấp sẽ có lợi khi nó có tác động tích cực đến việc cân chỉnh lại cung cầu trên thị trường hiện nay. Theo đó, khi tín dụng bị siết chặt sẽ buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc lại sản phẩm của mình. Những dự án cao cấp, có vốn đầu tư lớn sẽ phải được tính toán kỹ, ngược lại những dự án có giá bán trên dưới 1 tỷ sẽ có đất sống vì đánh đúng nhu cầu thực của phần lớn khách hàng hiện nay.

Nguyễn Hùng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.