Với gói vay này, chỉ cần tính bình quân mức cho vay 1 tỷ đồng/căn hộ, thị trường BĐS sẽ có thể tiêu thụ đến 21 ngàn căn hộ còn tồn đọng đang tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Với các dự án nhà ở giá rẻ còn đang dở dang, con số 9 ngàn tỷ đồng trong gói trên đã sẵn sàng cho vay cũng khiến không ít chủ dự án kỳ vọng sẽ được hỗ trợ vốn rẻ. Tuy nhiên, đã vài ngày triển khai, cả giao dịch trên thị trường BĐS lẫn hoạt động vay vốn tại thành phố vẫn khá yên ắng. Mong muốn sẽ được vay mua nhà, những ngày qua anh Ngô Văn Hòa, một người dân ở quận Bình Thạnh đã tiếp cận với một số dự án và chi nhánh ngân hàng để tìm hiểu về việc cho vay. Nhưng càng tìm hiểu, anh Hòa càng thấy lo lắng.
Với giá bán căn hộ phổ biến ở mức 12-15 triệu/m2, giá trị một căn nhà có diện tích 70m2 sẽ phải ở mức tròm trèm 900 triệu đến 1 tỷ đồng. Để được vay, ngoài chuyện lo tiền đối ứng từ 200-300 triệu đồng, tính toán của anh Hòa cho thấy, với mức vay 700-800 triệu đồng, trả trong 10 năm, mỗi năm sẽ phải trả 70-80 triệu đồng cộng với khoản lãi năm đầu là 60 triệu.
Căn hộ rao bán nhiều, nhưng vẫn khó tiếp cận gói vay ưu đãi.
Với mức thu nhập của công nhân viên chức như 2 vợ chồng anh Hòa chỉ có 15-16 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, hàng tháng sẽ không thể còn đủ để dành trả lãi và gốc. Vì vậy, cũng như anh Hòa, sau những ngày đầu tìm hiểu, nhiều công nhân viên chức khác đã quay sang tìm kiếm những loại căn hộ có diện tích nhỏ hơn, ở mức 45-55m2 tại các quận, huyện ngoại thành cho vừa khả năng chi trả; chấp nhận ở chật chội và đi làm xa hơn.
Tuy nhiên số này cũng không nhiều khi theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, đến nay cũng mới chỉ có 23 chủ đầu tư đăng ký chuyển từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Và dự kiến cũng chỉ có khoảng 855 căn nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2013. Vì vậy, ngoài các dự án đã đáp ứng đủ điều kiện, các dự án có diện tích căn hộ lớn cũng nên nhanh chóng điều chỉnh thành căn hộ diện tích nhỏ hơn để tiêu thụ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố cho rằng, thời gian cho vay 10 năm là quá ngắn. Hiệp hội đang đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên có quy định kéo dài thời gian cho vay hơn. Theo đó, thời hạn cho người tiêu dùng vay cần nâng lên 20 năm. Ngoài ra, NH Nhà nước nên quy định rõ mức lãi suất sau thời gian 3 năm để người dân yên tâm vay mua nhà và tính toán nguồn tiền trả nợ.