Nhu cầu về bất động sản tại Trung Quốc đã bị ảnh hưởng lớn trong năm qua khi nhiều nhà phát triển lao đao từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác và tạm dừng việc xây dựng căn hộ khi hết tiền.
Trước áp lực của các biện pháp ngăn ngừa đại dịch kéo dài, giá nhà giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, nhiều người dân tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trì hoãn kế hoạch mua nhà, tạo ra thách thức lớn cho các nhà phát triển và hoạch định chính sách đang muốn hồi phục thị trường.
“Những chính sách này sẽ có ít hiệu quả về dài hạn và giá bất động sản sẽ không tăng đáng kể”, Jack Yang, một kỹ sư ở Bắc Kinh cho biết. Anh đồng thời lưu ý rằng “thu nhập trong tương lai” đã trở thành mối quan tâm chính của người mua nhà.
Yang đã tạm dừng kế hoạch bán nhà và mua một căn nhà mới do các hạn chế để ngăn ngừa Covid-19, lương bị cắt giảm và lo ngại mất việc.
Gói giải cứu chưa “cứu” người mua nhà
Trung Quốc đang thay đổi cách tiếp cận với thị trường bất động sản, một trụ cột chính của nền kinh tế. Thay vì siết chặt như đã làm trong vài năm qua, chính quyền đang đưa ra hàng loạt biện pháp để hồi phục thị trường. Điều này cho thấy lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang ở trong tình trạng tồi tệ đến mức nào, và ảnh hưởng nặng nề ra sao lên nền kinh tế.
Họ đã vạch ra 16 biện pháp hỗ trợ, chủ yếu nhằm tăng tính thanh khoản cho các nhà phát triển, trong một gói giải cứu bất động sản toàn diện nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng nợ vào năm ngoái.
Thị trường hoan nghênh các biện pháp này, bao gồm gia hạn trả nợ và tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn mới. Nhưng các chủ ngân hàng và nhà phân tích nói rằng chúng chỉ giải quyết các vấn đề về nguồn cung của thị trường, trong khi phục hồi nhu cầu nên là mối quan tâm chính.
Nhu cầu về bất động sản, lĩnh vực chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm qua khi nhiều nhà phát triển lao đao từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác và ngừng xây dựng khi hết tiền.
Suy thoái kinh tế do phong tỏa vì Covid-19 ở nhiều thành phố cũng góp phần khiến những người mua như Yang hoãn kế hoạch vay tiền để mua nhà mới, và đây là một xu hướng khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn.
Doanh số bán bất động sản tính theo diện tích sàn tại Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm tháng thứ 15 liên tiếp, trong khi giá nhà mới đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 7 năm qua.
John Lam, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bất động sản Trung Quốc và Hồng Kông tại UBS, cho biết động thái hỗ trợ thanh khoản của chính phủ “đã phá vỡ chu kỳ tiêu cực”, đồng thời nói thêm rằng điều này “sẽ là một tính hiệu tích cực để phục hồi nhu cầu”.
Nhu cầu khó hồi phục trong năm 2023
Cơ quan xếp hạng Fitch cho biết hôm thứ Ba (15/11) rằng họ vẫn giữ nguyên dự báo về “xu hướng gần như không thay đổi” trong doanh số bán nhà mới vào năm 2023 của Trung Quốc, ngay cả sau khi chính phủ công bố các biện pháp hỗ trợ mới nhất.
Nhu cầu nhà ở “là do sự phục hồi trong tâm lý của người mua nhà và triển vọng việc làm, điều sẽ phụ thuộc vào việc nới lỏng một cách bền vững các biện pháp kiểm soát liên quan đến đại dịch của Trung Quốc”, báo cáo của UBS cho biết.
Trung Quốc đã nới lỏng một số quy định về Covid, nhưng các nhà phân tích cho rằng chiến lược zero-Covid sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động kinh tế.
Trong khi Bắc Kinh đã cắt giảm lãi suất và nới lỏng một số hạn chế trong năm nay để thúc đẩy nhu cầu mua nhà mới, các nhà phân tích cho rằng việc chính quyền tập trung chủ yếu vào nhà ở giá rẻ và nỗ lực thúc đẩy “sự thịnh vượng chung” có thể sẽ hạn chế nhu cầu sở hữu.
Giá nhà giảm là mối quan tâm lớn đối với người mua nhà ở Trung Quốc do một phần lớn trong số họ mua nhà mới như một lựa chọn đầu tư, với lợi nhuận lịch sử đạt tới 30-50% trong một khoảng thời gian nhất định ở một số thành phố.
Dừng mua nhà do vẫn còn rủi ro tài chính
Bất chấp các biện pháp tăng thanh khoản gần đây, một số chủ ngân hàng cho biết các nhà phát triển tiếp tục đối mặt với rủi ro tín dụng do triển vọng không chắc chắn.
“Các biện pháp sẽ cải thiện môi trường tài chính bất động sản, có nghĩa là đối với các ngân hàng, vòng luẩn quẩn và vòng xoáy tử thần giữa rủi ro bất động sản và rủi ro tài chính đã được giảm bớt. Nhưng còn quá sớm để nói rằng cảnh báo rủi ro tín dụng đối với bất động sản đã được dỡ bỏ”, một quan chức tại một ngân hàng thương mại cỡ trung cho biết.
Theo UBS, các ngân hàng Trung Quốc có khoảng 88 nghìn tỷ Nhân dân tệ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản sẽ khiến hệ thống ngân hàng phải trả tới 1,4-1,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong vài năm tới, chủ yếu là do các khoản lỗ tiềm ẩn trong các khoản cho vay phát triển bất động sản không được đảm bảo, trái phiếu và tài sản phi tiêu chuẩn của ngân hàng.
Tuy nhiên, hiện tại, mối quan tâm chính của một số người mua nhà là liệu các biện pháp mới nhất có giúp các chủ đầu tư thoát khỏi khủng hoảng và tiếp tục xây dựng hay không.
Sam Wang, 22 tuổi, làm nghề tự do trong ngành dịch vụ ăn uống, cho biết một người họ hàng của anh đã trả toàn bộ tiền để sở hữu một bất động sản hình thành trong tương lai ở Vũ Hán khoảng 3 năm trước, nhưng đến giờ việc xây dựng vẫn chưa hoàn thành.
“Tôi chuẩn bị mua một căn nhà để ở, nhưng trước mắt tôi sẽ chờ diễn biến tiếp theo của thị trường”, Wang nói.
Cần có thêm biện pháp kích cầu
Huang Yu, Phó chủ tịch China Index Academy, kỳ vọng thị trường sẽ dần ổn định khi các biện pháp tài chính thúc đẩy niềm tin của người mua. Tuy nhiên, bà không cho rằng thị trường sẽ phục hồi theo hình chữ V, và nhấn mạnh cần thêm nhiều chính sách để làm tăng nhu cầu sở hữu nhà.
“Cần có thêm chính sách hỗ trợ mua nhà”, đặc biệt là động thái nới lỏng một số hạn chế mua nhà ở các thành phố lớn”, bà Huang nói thêm.
Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng giá nhà trung bình sẽ cần giảm khoảng 20% đến 30% để kích cầu.
Theo cuộc thăm dò của Reuters trong tháng này, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn còn yếu nhưng sẽ dần phục hồi vào năm 2023, đồng thời các biện pháp kích thích và nới lỏng các quy định ngăn ngừa COVID-19 sẽ hỗ trợ lĩnh vực đang gặp khủng hoảng này vào năm tới.
Theo đó, giá nhà mới sẽ giảm 0,5% trong nửa đầu năm 2023, giảm so với dự báo tăng trưởng 2,0% cho giai đoạn đó trong một cuộc khảo sát vào tháng 9. Nhưng giá dự kiến sẽ tăng 1,0% trong cả năm tới.
-
Chính quyền Trung Quốc mua nhà, chuyển đổi mục đích sử dụng dự án để giải cứu thị trường
Chính quyền Trung Quốc tiếp tục cho thấy nỗ lực trong việc mang lại một “cú hạ cánh mềm” cho thị trường bất động sản đang khủng hoảng bằng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả mua lại các căn nhà bỏ trống và chuyển đổi mục đích sử dụng của các tòa chung cư.
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.