Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương kiểm tra tại công trình Thủy điện Thượng Nhật
Có những chậm trễ GPMB trong công tác đền bù GPMB...
Tối 17/11, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo báo cáo của UBND huyện Nam Đông, thủy điện Thượng Nhật tại xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) đã có những chậm trễ trong công tác đền bù GPMB cho người dân.
“Đối với công tác đền bù lòng hồ thủy điện Thượng Nhật, một số tồn tại đã được nhắc nhiều lần tại các biên bản làm việc giữa Sở Công thương, UBND huyện Nam Đông, UBND xã Thượng Nhật và Công ty CP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam, nhưng Công ty không thực hiện”, Văn phòng UBND tỉnh cho hay.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Nam Đông, hộ ông Hồ Văn Sỹ có 1 thửa đất 2.677,2m2 bị ảnh hưởng, Công ty cho rằng đó là diện tích đất ven sông suối, đất hoang hóa và đề xuất hỗ trợ hơn 5,3 triệu đồng, nhưng hộ gia đình ông Sỹ không thống nhất. Công ty CP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam cũng đã có cam kết chi trả sớm cho hộ gia đình ông Hồ Văn Bí hơn 52,1 triệu đồng, đến nay vẫn không trả như cam kết.
Bên cạnh đó, có 4 hộ dân có diện tích phát sinh thêm, Công ty CP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam vẫn chưa hợp đồng với đơn vị tư vấn để đo đạc diện tích này. Về đường dây, có 5 hộ chưa có phương án đền bù, 2 hộ dân nằm trong phạm vi GPMB đường dây và 3 hộ nằm ngoài phạm vi GPMB.
Khu vực nhà điều hành nhà máy thủy điện Thượng Nhật
Đối với một số kiến nghị của người dân, Công ty CP Thủy điện Miền Trung cam kết sẽ xây dựng hoàn trả lại tuyến đường bê tông dân sinh thôn A Tin trước ngày 31/12/2020. Mở đường sản xuất từ ngầm tràn Ka Đầu vào vùng sản xuất Ma Rai (khoảng 1km), Công ty giao cho xã thực hiện và Công ty cam kết hỗ trợ 150 triệu đồng vào tháng 12/2020, hiện công trình đang trong quá trình thi công.
Đối với xây ngầm tràn khe Ka Đầu, Công ty hợp đồng với DNTN thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng đến nay Công ty vẫn chưa thanh toán kinh phí cho đơn vị thi công số tiền 140 triệu đồng. Đối với việc trả lại đường mòn vùng Cha Lai (khoảng 15km), do việc mở đường liên quan đến đất và tài sản trên đất của các hộ dân, phía Công ty đã đề xuất với UBND xã chủ trì việc mở đường, sau khi hoàn thành Công ty sẽ hỗ trợ lại phần kinh phí thực tế phục vụ cho việc mở đường. Đến nay UBND xã chưa triển khai.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Trần Quốc Phụng, chủ đầu tư chưa dọn dẹp lòng hồ nhưng đã tích nước, phát điện khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Ở vai phải đập thuỷ điện Thượng Nhật, núi ở khu nhà điều hành có nguy cơ sạt lở rất lớn, cần khắc phục; chưa cắm cảnh báo ở hạ du đập.
Chủ đầu tư xin rút kinh nghiệm và sẽ khắc phục
Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra Bộ Công thương tại thuỷ điện Thượng Nhật chiều 17/11, ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam thừa nhận, thời gian qua chủ đầu tư đã có sự chậm trễ, sai sót trong điều hành. Công ty xin rút kinh nghiệm và sẽ khắc phục, mong được tạo điều kiện để sớm phát điện, có nguồn thu để bù kinh phí đầu tư, nộp ngân sách.
Ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công thương (giữa) ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Miền Trung Việt Nam (bên phải) tại công trình thủy điện Thượng Nhật
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Lê Thanh Hồ khẳng định, nhà máy thủy điện Thượng Nhật nhiều lần không thực hiện theo quy định của tỉnh về việc mở hoàn toàn 5 cửa van trong phòng chống bão số 13.
“Vì sao rất nhiều văn bản, sở ngành, của huyện và kể cả trung ương nhưng không thấy công ty thực hiện, có ai chống lưng hay không thì tôi… không biết”, ông Hồ nói.
Tại buổi làm việc, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, dù doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do nhưng thực tế cho thấy đã không tuân thủ theo chỉ đạo của tỉnh và các cơ quan ban ngành.
Ông Bảo nhấn mạnh, trong thời điểm cả miền Trung đang tập trung phòng chống bão lũ, việc thủy điện không chấp hành lệnh mở hoàn toàn 5 cửa van như yêu cầu của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh là việc không thể chấp nhận. Bên cạnh đó, việc không tuân thủ theo quy định sẽ gây nguy hiểm cho thủy điện và cả phần hạ du.
Bước đầu, ông Bảo khẳng định rằng chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật đã không tuân thủ hoặc chưa tuân thủ các quy trình, quy định. Trong đó rõ nhất là không tuân thủ các yêu cầu các quy định của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, quy trình vận hành.
“Theo Nghị định của Chính phủ về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thì chúng tôi đã có thể xử phạt vi phạm hành chính ngay. Còn về giấy phép hoạt động điện lực, các anh nếu không duy trì các điều kiện theo quy định thì chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Công thương thu hồi”, ông Bảo cho hay. Ông Bảo cũng yêu cầu chủ đầu tư, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị các văn bản liên quan để ngày mai (18/11) đoàn tiếp tục có cuộc họp tại Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế.
-
Xây nhà máy điện khí 6 tỉ USD tại Huế
Cafeland - Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) do Công ty CP Chân Mây LNG đầu tư và phát triển dự kiến đặt tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, có tổng công suất thiết kế 4.000MW, tổng vốn đầu tư 6 tỉ USD.