Thời gian vừa qua, miền Trung đã trải qua nhiều thiệt hại, mất mát về người và tài sản do thiên tai khi bão chồng bão, lũ chồng lũ. Việc thuỷ điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bất chấp quy định, phớt lờ các chỉ đạo từ địa phương cho tới Trung ương được dư luận đặc biệt quan tâm.
Khi bão số 13 đổ bộ, thủy điện Thượng Nhật liên tiếp có hành vi tích nước trái phép, không chấp hành công điện khẩn chống bão của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như các công điện, văn bản chỉ đạo sau đó của các cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh này.
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trung tâm tư vấn Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu - cho rằng: Hành vi tích nước trái phép của doanh nghiệp này không chỉ là hành vi vi phạm hành chính mà còn là hành vi có thể gây nguy hiểm cho vùng hạ du. Đó là an toàn tài sản tính mạng của hàng nghìn người dân, là sự yên ổn đời sống xã hội.
“Việc tước giấy phép hoạt động thuỷ điện của Nhà máy thuỷ điện Thượng Nhật là bắt buộc phải làm. Chúng ta phải làm nghiêm, làm mạnh tay thì mới nêu gương được cho hoạt động của những thuỷ điện có nguy cơ khác”, ông Tứ nhấn mạnh.
PGS.TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh việc xử lý nghiêm thuỷ điện Thượng Nhật để nêu gương.
Theo ông Tứ, những thuỷ điện nhỏ mà hoạt động một cách bất chất, không có sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực sự rất nguy hiểm. Ông Tứ nói và ví những thuỷ điện nhỏ như thuỷ điện Thượng Nhật giống những quả bom nổ chậm, hoạt động kinh doanh nhưng lại đặt lợi nhuận lên trên tính mạng của người dân là kinh doanh vô đạo đức, không thể chấp nhận.
“Việc xử lý nghiêm là không bàn cãi. Nhưng điều tôi quan tâm hơn cả là việc xử lý thuỷ điện Thượng Nhật nằm trong tầm tay của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có đủ thẩm quyền để xử lý với các hành vi sai phạm của thủy điện này.
Công trình đã được chỉ đạo quyết liệt mà còn để xảy ra tình trạng như thế, xử lý thuỷ điện nhỏ như thuỷ điện Thượng Nhật mà có bao nhiêu văn bản, bao nhiêu cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải vào cuộc. Nếu thực sự việc xử lý hành vi vi phạm của thủy điện này có gặp khó khăn thì cần phải làm rõ có hay không sự bắt tay, bao che cho các nhà đầu tư, để khi làm sai mà không xử lý được”, ông Tứ nói.
Thuỷ điện Thượng Nhật bất chấp những chỉ đạo của Trung ương.
Nói về việc xây dựng những thuỷ điện nhỏ thời gian qua, PGS.TS Đào Trọng Tứ đã nhấn mạnh rằng: "Thuỷ điện nhỏ như thuỷ điện Thượng Nhật được xây dựng tràn lan một cách lạ lùng, các doanh nghiệp say sưa làm một cách bất chấp, làm thật nhanh, để phát điện và kiếm tiền".
Trước đó, thông tin với phóng viên, ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (bộ Công Thương) – Trưởng đoàn kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình thủy điện Thượng Nhật cho biết, việc đoàn kiểm tra đề xuất rút giấy phép hoạt động của thuỷ điện này bởi quá trình kiểm tra tại công trình, chủ đầu tư đã vi phạm 2 lỗi là “không thực hiện quan trắc” và “vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Với 2 vi phạm kể trên, đoàn kiểm tra của bộ Công Thương đã lập 2 biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Trong quá trình kiểm tra, sau 5 ngày, nếu chủ đầu tư không có bất kỳ kiến nghị giải trình nào, thì sẽ ra quyết định xử phạt và buộc chủ đầu tư phải thực hiện.
Theo đó, mức xử phạt được quy định tại khoản 3, Điều 16, Nghị định 134/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mức xử phạt đối với cá nhân từ 30 - 65 triệu đồng. Tuy nhiên, vi phạm của thuỷ điện Thượng Nhật là vi phạm theo pháp nhân, tổ chức, mức xử phạt gấp đôi là 130 triệu đồng/2 hành vi.
-
Ngoài tích nước trái phép, thủy điện Thượng Nhật còn vi phạm những gì?
Ngoài tích nước trái phép, chủ đầu tư công trình thủy điện Thượng Nhật đã có những chậm trễ trong công tác đền bù GPMB cho người dân…