18/05/2022 11:31 AM
Việt Nam phải chi hàng tỉ USD mỗi năm để nhập khẩu thép và nguyên liệu, trong khi nguồn cung thép xây dựng trong nước đang dư thừa.

Ngành thép Việt đang tồn tại một nghịch lý mà bấy lâu nay vẫn chưa giải quyết được. Đó là tình trạng thừa nguồn cung thép xây dựng, nhưng lại thiếu trầm trọng nguyên liệu sản xuất và thép phục vụ trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đây cũng là nguồn cơn của các đợt giá thép tăng “phi mã” từ đầu năm đến nay. Điều này không chỉ khiến ngành xây dựng “chao đảo” mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Bộ Công Thương nhận định phát triển ngành thép trong nước đang bị mất cân đối giữa thượng nguồn và hạ nguồn. Trong khi sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm sau thép như tôn mạ kẽm, thép ống tăng trưởng tốt thì các mặt hàng như thép hợp kim, thép cuộn cán nóng HRC vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn.

Dư thừa thép xây dựng

Ngành thép đang đối mặt với dư thừa sản phẩm phục vụ ngành xây dựng, nhưng lại thiếu trầm trọng thép phục vụ trong ngành công nghiệp chế tạo

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2021, toàn ngành thép đã tiêu thụ được 23 triệu tấn thép, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% giúp Việt Nam giữ vững vị trí nhà sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Đáng chú ý, xuất khẩu sản phẩm thép cũng đạt được kết quả tích cực với 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm với hơn 12,7 tỉ USD, đóng góp lớn nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Sản phẩm thép của Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới.

Trong tháng 4.2022, toàn ngành đã sản xuất gần 3 triệu tấn thép các loại và tiêu thụ đạt hơn 2,4 triệu tấn. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, sản xuất thép cả cả nước đạt hơn 11,4 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong kỳ, sản lượng tiêu thụ thép nội địa trên 10,6 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nguồn cung thép sản xuất trong nước dư thừa, đủ cho cầu tiêu thụ trong nước cũng như đáp ứng được một phần nhu cầu xuất khẩu.

… nhưng thiếu nguyên liệu sản xuất

Cơn sốt nóng giá thép những tháng đầu năm 2022 mà đỉnh điểm là giữa tháng 3 xuất phát từ nguyên nhân chính là giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu như quặng sắt, thép phế, phôi thép... tăng đột biến.

Ngành thép trong nước đang phụ thuộc và nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Giá nguyên vật liệu tăng là một vấn đề lớn trên thị trường hiện tại, nhất là đối với nhà máy sản xuất thép và nhà thầu thi công.

Theo Bộ Công Thương, năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam còn khá hạn chế do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước cũng phải điều chỉnh theo thị trường thế giới.

Trên thực tế, dù kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại tăng mạnh so với cùng kỳ, nhưng Việt Nam vẫn nhập siêu mặt hàng này hơn 800 triệu USD trong quý đầu năm 2022. Cụ thể, nhập khẩu thép các loại về Việt Nam trong quý 1.2022 khoảng 3 triệu tấn với trị giá hơn 3,1 tỉ USD, giảm 18% về lượng nhưng tăng 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Đây được xem là một nghịch lý của ngành thép Việt Nam khi nguồn cung thép xây dựng vẫn dư thừa, nhưng các loại sắt thép làm nguyên liệu đầu vào sản xuất lại rất thiếu, ngay cả như phế liệu.

Dự kiến trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn; thép phế khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện; than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn.

Phát triển mất cân đối

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2016-2021, ngành thép đã có sự phát triển nhanh nhưng mất cân đối giữa phát triển thượng nguồn và hạ nguồn. Các sản phẩm sau thép như tôn mạ kẽm, thép ống tăng trưởng tốt về giá trị sản xuất và xuất khẩu. Trong khi đó, các chủng loại thép hợp kim, đặc biệt là thép cuộn cán nóng HRC vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn.

Ngành thép đang mất cân đối giữa phát triển thượng nguồn và hạ nguồn

Trong năm 2021, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm sau thép như tôn mạ kẽm, thép ống tăng trưởng tốt. Cụ thể, sản xuất thép cuộn cán nguội đạt hơn 5,17 triệu tấn, tăng 16,5% so với cùng kỳ 2020. Tiêu thụ thép cuộn cán nguội đạt gần 2,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 642.899 tấn, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, sản xuất tôn mạ kim loại và sơn phủ màu của các doanh nghiệp trong nước đạt hơn 5,95 triệu tấn, tăng 34,3%. Tiêu thụ đạt hơn 5,3 triệu tấn, tăng 36,4% so với mức cùng kỳ 2020, trong đó xuất khẩu đạt gần 3,8 triệu tấn, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định tôn mạ kim loại và sơn phủ màu là một trong những ngành hàng duy trì được lượng xuất khẩu khá tốt, dẫn đến tổng lượng tiêu thụ tăng trưởng cao.

Triển vọng mảng tôn mạ Việt Nam trong năm 2022 được kỳ vọng có bước tăng trưởng tốt khi nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thép cán nguội và tôn mạ màu trên thế giới rất lớn khi nguồn cung từ Trung Quốc và Nga giảm mạnh. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôn mạ như Tôn Nam Kim, Tôn Hoa Sen và Tôn Đông Á sẽ được hưởng lợi từ thị trường xuất khẩu này.

Mặc khác, đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng HRC - nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội CRC, tôn mạ, ống thép, cơ khí chế tạo đang có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất mặt hàng này ở trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, thép HCR sẽ vẫn mất cân đối cung - cầu trong thời gian tới do nhu cầu thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng.

Hiện năng lực sản xuất phôi thép của các doanh nghiệp trong nước là 27 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng thép cuộn cán nóng HRC chiếm khoảng 7-8 triệu tấn. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa sản xuất được các loại thép hợp kim đặc biệt.

Theo ước tính, nhu cầu về mặt hàng thép cuộn cán nóng HRC tại Việt Nam là 13 triệu tấn, tăng bình quân từ 10% mỗi năm. Tuy nhiên, trong nước chỉ có Tập đoàn Hòa Phát và Formosa là có thể sản xuất được mặt hàng này. Cả Formosa và Hòa Phát có thể cung ứng cho thị trường khoảng trên 600.000 tấn/tháng, đáp ứng khoảng được khoảng 60%, còn lại 40% vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Ở Việt Nam hiện nay, đa phần các công ty đều sản xuất thép từ thép phế liệu do công nghệ đơn giản, mức đầu tư vốn, công nghệ, máy móc... yêu cầu thấp hơn.

Về lâu dài, để đảm bảo nhu cầu HRC và các loại thép hợp kim, thép chất lượng cao, trong nước cần tiếp tục thu hút và đầu tư một số nhà máy liên hợp sản xuất thép lớn để phục vụ nhu cầu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu. Đặc biệt, cần có các định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến chế tạo.

  • Giá sắt thép đang dần hạ nhiệt

    Giá sắt thép đang dần hạ nhiệt

    Sau chuỗi tăng liên tiếp từ đầu năm, giá thép xây dựng trong nước bắt đầu hạ nhiệt, giảm xuống còn 18,1-19,1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn khoảng 3,5% so với giá trung bình trong quý 4.2021.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.