Sau chuỗi tăng liên tiếp từ đầu năm, giá thép xây dựng trong nước bắt đầu hạ nhiệt, giảm xuống còn 18,1-19,1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn khoảng 3,5% so với giá trung bình trong quý 4.2021.

Giá thép quay đầu giảm

Sau nhiều lần tăng giá khiến nhà thầu xây dựng điêu đứng, nhiều thương hiệu thép nội địa như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức, Thái Nguyên… vừa thông báo giảm giá mặt hàng này, với mức giảm từ 300.000-920.000 đồng/tấn.

Cụ thể, mỗi tấn thép cuộn Hòa Phát hiện đã giảm hơn 310.000 đồng/tấn so với thời điểm giá lập đỉnh hơn 19 triệu đồng/tấn trong tháng 3 vừa qua; còn thép thanh cũng hạ 300.000 đồng. Tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 giảm xuống mức 18,63 triệu đồng/tấn; giá thép thanh vằn CB300 ở mức 18,74 triệu đồng/tấn. Còn tại miền Trung và miền Nam, hai sản phẩm này cũng có mức giá lần lượt là 18,68 triệu đồng/tấn và 18,79 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Kyoei cũng điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 300.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá của hai sản phẩm này ở mức 18,57 triệu đồng/tấn và 18,78 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thép Việt Ý giảm 310.000 đồng/tấn đối với cả hai sản phẩm. Cùng mức giảm này còn có thép Thép Thái Nguyên. Sau giảm giá, các mặt hàng thép của thương hiệu này cũng về trên ngưỡng 19 triệu đồng/tấn, dao động 19,1 - 19,23 triệu đồng/tấn.

Giá thép xây dựng trong nước giảm 300.000-920.000 đồng/tấn xuống còn 18,1 - 19,1 triệu đồng/tấn

Cũng trong xu hướng giảm giá như thị trường miền Bắc, nhưng giá thép tại miền Nam nhỉnh hơn. Cụ thể, thép miền Nam giảm 600.000 đồng/tấn đối với mặt hàng thép cuộn CB240, xuống mức 18,68 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 610.000 đồng/tấn, hiện có giá 18, 88 triệu đồng/tấn.

Trong đợt điều chỉnh giảm giá bán lần này, thương hiệu thép Việt Đức ghi nhận có mức giảm mạnh nhất. Cụ thể, tại miền Trung, thép Việt Đức giảm 910.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 920.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Mỗi tấn thép cuộn của doanh nghiệp này là 18,88 triệu đồng, thép thanh 19,18 triệu đồng.

Không chỉ trong nước, sau giai đoạn tăng nóng, giá thép, quặng sắt trên thị trường thế giới bắt đầu dần hạ nhiệt.

Thị trường thép trong nước giảm giá bán, song chưa thể gây ra tác động lớn tới nhu cầu tiêu thụ ngay lập tức. Vì mức giá như hiện nay vẫn cao hơn khoảng 3,5% so với thời điểm quý 4.2021.

Tự chủ nguyên liệu đầu vào để ghìm đà tăng giá thép

Trước đó, các đợt tăng giá thép đỉnh điểm trong tháng 3 vừa qua không chỉ tác động trực tiếp đến ngành xây dựng mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế. Từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng đã tăng 7 lần, với tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, từ 16,5 lên hơn 19 triệu đồng/tấn.

Lý giải nguyên nhân thép tăng giá mạnh, Bộ Xây dựng cho biết, do ảnh hưởng của việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào trong quý 1.2022, các vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng đã có sự tăng giá mạnh so với thời điểm cuối năm 2021.

Để hạ nhiệt giá mặt hàng sắt thép nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung, các bộ, ngành đã có nhiều giải pháp nhằm kiểm soát đà tăng giá của mặt hàng này.

Tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào để ghìm đà tăng giá thép

Hiện nay, năng lực sản xuất các sản phẩm thép của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa. Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế thép, nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên như than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa… phục vụ sản xuất thép hầu hết đều phải nhập khẩu.

Chính vì thế, thị trường thép Việt Nam chịu sự chi phối lớn của thị trường toàn cầu. Bởi vậy, chỉ còn cách sử dụng quy luật cung cầu của thị trường nội địa, tự chủ nguyên liệu để hạ nhiệt giá mặt hàng này mới bền vững.

Tính đến năm 2021, năng lực sản xuất phôi thép của các doanh nghiệp trong nước là 27 triệu tấn/năm, trong đó thép cuộn cán nóng HRC là 7-8 triệu tấn/năm. Hiện 42% sản lượng thép xây dựng trong nước được sản xuất từ phế liệu thép, có 58% sản xuất từ lò cao, sử dụng nguyên liệu là quặng sắt.

Trong bối cảnh giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao, việc nhập khẩu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép Việt Nam. Do đó, các nhà sản xuất thép trong nước cần tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định trên thị trường quốc tế với giá cả hợp lý. Tính toán các hợp đồng dài hạn để chủ động nguồn cung và ổn định giá.

Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành cũng phải đổi mới sáng tạo trong sản xuất nhằm thể hiện tốt năng lực cạnh tranh thông qua việc cơ cấu lại sản phẩm để có những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm cho việc phát triển lâu dài.

Bên cạnh đó, sản xuất thép trong nước cần đảm bảo tính chủ động, đa dạng chủng loại.. Chỉ nhập khẩu một số chủng loại trong nước chưa sản xuất được như thép hợp kim, chất lượng cao phục vụ công nghệ chế tạo, đóng tàu.

Hiện nay, Việt Nam có các mỏ quặng sắt như Thạch Khê (Hà Tĩnh), Quý Xa (Lào Cai) được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á, nhưng việc khai thác không thuận lợi. Do đó, để tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, rất cần nhà nước có những chính sách về khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

Trong năm 2021, Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường 2,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC

Hiện Tập đoàn Hòa Phát có thể tự chủ được mặt hàng thép cuộn cán nóng HRC- nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội (CRC), tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo.

HRC là một trong những mặt hàng thép trước đây Việt Nam chưa thể sản xuất, thì nay mặt hàng này đang là thế mạnh của Hòa Phát. Trong năm 2021, Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường 2,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC.

Hiện nay, tổng sản lượng thép thô của Hòa Phát đạt 8,5 triệu tấn/năm, trong đó có hơn 5 triệu tấn phôi thép, thép xây dựng và 3 triệu tấn HRC/năm. Trong năm 2022, tập đoàn này đang đẩy mạnh triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng với công suất 5,6 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, để tự chủ nguồn nguyên liệu và ổn định sản xuất, Hòa Phát đã mua mỏ quặng sắt Roper Valley ở Australia với trữ lượng ước tính 320 triệu tấn, với công suất khai thác khoảng 4 triệu tấn/năm.

Trong các năm tới, Hòa Phát dự kiến sẽ mua thêm mỏ than và mỏ sắt ở Úc nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của tập đoàn, tương đương 10 triệu tấn/năm.

Bộ Công Thương nhận định ngành thép có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, nhưng hiện nay không có chính sách đặc thù, riêng biệt để thúc đẩy, cũng như định hướng để phát triển ngành thép Việt Nam.

Do đó, để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành thép, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Chủ đề: Giá thép mới nhất,
  • Giá thép nguyên liệu đang giảm dần

    Giá thép nguyên liệu đang giảm dần

    Do ảnh hưởng của việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào nên trong quý 1/2022, các loại sắt thép đã có sự tăng giá. Hiện nay, giá thép thế giới đã giảm do giá nguyên vật liệu đã hạ nhiệt.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.