Mỹ: FED nâng dự báo tăng trưởng GDP, hạ dự báo thất nghiệp
Biên bản cuộc gọp chính sách gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy các nhà làm chính sách đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 lên mức cao hơn so với cách đây vài tháng. FED ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng từ 3.4-3.9% trong năm 2011, cao hơn so với mức dự báo tăng từ 3.0-3.6% trong tháng 11/2010. Tuy nhiên, FED cho rằng sự tăng tốc của nền kinh tế chỉ diễn ra trong ngắn hạn vì dự báo tăng trưởng năm 2012 và 2013 chỉ được điều chỉnh rất nhẹ.
Số nhà mới khởi công tháng 01 tăng mạnh hơn dự báo trong khi số nhà được cấp phép xây mới lại thấp hơn so với ước tính. Trong tháng qua, số nhà mới khởi công tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái lên 596,000 đơn vị, nhưng số nhà được cấp phép xây mới tại giảm 10% xuống 562,000 đơn vị.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 01 tăng 0.8% so với tháng trước, khớp với dự báo 0.8%. So với cùng kỳ năm ngoái, PPI tăng 1.6%, cao hơn ước tính tăng 1.2% của các nhà kinh tế.
Châu Âu: Lạm phát Anh sẽ tiếp tục leo dốc mạnh
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Mervyn King cho rằng lạm phát sẽ tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2011 trước khi suy yếu vào đầu năm tới. Theo ông, các yếu tố bên ngoài như giá năng lượng và thực phẩm ngày càng cao là nguyên nhân chính khiến giá thực phẩm tại Anh leo thang.
Thống đốc cho biết tăng trưởng kinh tế Anh sẽ chậm hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 11/2010. Ngoài ra, ông còn bác bỏ các báo cáo cho rằng BOE sẽ nâng lãi suất trong năm nay để hạ thấp lạm phát hiện đang cao hơn gấp đôi với mức trần 2%.
Châu Á: Trung Quốc nỗ lực hạ nhiệt thị trường bất động sản
Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) cho biết nhu cầu vàng vật chất và các khoản đầu tư vàng tại Trung Quốc đang gia tăng với tốc độ “bùng nổ”. Nhu cầu đối với kim loại quý này sẽ còn cao trong thời gian tới do lo ngại về lạm phát.
Cơ quan Thống kê Trung Quốc cho biết Chính phủ nước này sẽ công bố hai chỉ số mới về giá nhà ở và thay đổi phương pháp khảo sát vì phải đối mặt với áp lực về việc kiềm chế đà leo thang của giá cả bất động sản. Theo đó, từ tháng 01/2010 trở đi, Chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng hai chỉ số mới về doanh số bán nhà mới và doanh số bán nhà đã qua sử dụng, đồng thời ngừng công bố chỉ số giá bất động sản trung bình trên toàn quốc.
Trong khi đó, theo thông tin trên tờ National Business Daily, nhiều ngân hàng tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thâm Quyến đã ngừng chương trình ưu đãi đối với các khoản vay thế chấp dành cho người mua nhà lần đầu. Các ngân hàng này bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), và Shanghai Pudong Development Bank.
Tờ China Securities Journal đã kêu gọi Chính phủ nước này tăng giá đồng Nhân dân tệ để kiểm soát lạm phát nhập khẩu bằng thông tin đăng trên trang chủ của tờ báo này. Dù không phải là ý kiến của một nhà làm chính sách nào, nhưng hành động trên cho thấy làn sóng ủng hộ Nhân dân tệ tăng giá tại Trung Quốc ngày gia tăng.
Còn theo thông tin được đăng tải trên tờ báo này, nhà kinh tế Li Daokui đồng thời là thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ trực thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho rằng Trung Quốc nên tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, ông còn cho biết PBOC cũng nên nâng dự trữ bắt buộc để xoa dịu áp lực giá cả.
Cùng ngày, PBOC bác bỏ báo cáo cho rằng nước này đã bắt đầu chương trình thử nghiệm nhằm tự do hóa lãi suất huy động ngân hàng. Người phát ngôn PBOC khẳng định: “Chúng tôi không hề áp dụng một chương trình thí điểm nào như vậy”. Trước đó, tờ China Daily cho hay Trung Quốc phát động chương trình thí điểm cho phép một số ngân hàng, trong đó có China Merchants Bank, tự đặt ra mức lãi suất huy động.
Moody’s đưa 4 ngân hàng lớn nhất của Australia là Australia & New Zealand Banking Group (ANZ), Commonwealth Bank of Australia (CBA), Westpac Banking và National Australia Bank (NAB) vào diện xem xét hạ bậc và tiếp tục giữ triển vọng tiêu cực đối với các ngân hàng này. Được biết, mức xếp hạng từ tháng 03/2009 đến nay của ANZ, Westpac Banking và NAB là Aa1. NAB cũng bị đưa vào diện xem xét hạ bậc từ năm 2008.
Nhật Bản và Ấn Độ ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 94 loại hàng hóa trong 10 năm tới. Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara và Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Anand Sharma đã ký kết FTA tại Tokyo với hy vọng thúc đẩy tổng giá trị thương mại song phương giữa hai nước lên cao hơn so với mức 900 tỷ JPY (tương đương 10.7 tỷ USD) trong năm 2009, vốn chiếm chưa tới 1% tổng giá trị ngoại thương của Nhật Bản.
Tỷ lệ thất nghiệp tháng 01 của Hàn Quốc giảm xuống 3.8%, thấp hơn mức 5% trong cùng kỳ năm ngoái, nhưng cao hơn 0.3% so với mức 3.5% trong tháng 12/2010. Số người được tuyển dụng trong cùng tháng đạt 23.19 triệu, cao hơn 331,000 người so với cùng kỳ 2009.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 16/02:
Nguồn: VietstockFinance |
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ít thay đổi ở mức 3.62.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD tăng so với đồng JPY nhưng giảm so với bảng Anh và đồng EUR. Chỉ số đồng USD giảm 0.37% xuống 78.27 USD.
Giá vàng giao tháng 4 trên sàn COMEX tại New York tăng nhẹ 1 USD/oz lên 1,374.70 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3 trên sàn NYMEX tăng 67 cent lên 84.99 USD/thùng sau 3 ngày suy giảm liên tiếp.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 17/02: New Zealand - 04h45: Chỉ số giá sản xuất (PPI) Eurozone - 16h00: Dòng vốn đầu tư - 22h00: Niềm tin tiêu dùng Mỹ - 20h30: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - 20h30: Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp - 20h30: Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp |