Dự án xây dựng tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa.
Bức tranh ngắn hạn đầy thách thức của ngành xây dựng không khiến một số nhà đầu tư chùn bước, nhất là dòng vốn ngoại. Gần đây, tập đoàn xây dựng Nhật Tokyu Construction công bố thương vụ mua lại Indochine Engineering ở Việt Nam với giá trị không được tiết lộ.
Ra đời cách đây gần 20 năm, Indochine Engineering đã trở thành công ty tư vấn kỹ thuật đa ngành có độ phủ không chỉ tại Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á. Indochine Engineering đã tham gia vào các dự án nhà ở cao cấp như City Garden, Holm Residences, Diamond Island, Avalon, Nine South Estate. Doanh nghiệp này cũng góp mặt ở mảng văn phòng với các dự án như Nexus, A&B Tower, Lim Tower 2, Centre Point Tower, Deutsches Haus. Công ty còn tham gia hàng loạt dự án lớn về khu công nghiệp, du lịch - nghỉ dưỡng, trường học, y tế. Ở mảng hạ tầng giao thông, Indochine Engineering ghi dấu ấn với dự án cầu Phú Mỹ.
“Indochine Engineering có hơn 80 kỹ sư tay nghề cao với kinh nghiệm và uy tín lớn trong lĩnh vực BIM. Chúng tôi tin tưởng có thể cùng nhau mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam và thị trường Đông Nam Á, đồng thời tạo ra sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ giúp cải thiện lớn về chất lượng và năng suất công việc”, ông Mitsuhiro Terada, Chủ tịch Tokyu Construction, cho biết.
Trước đó ở Hà Nội, một nhà đầu tư Nhật khác là Haseko Corp đã mua lại 36% cổ phần của Ecoba Vietnam, một nhà thầu chuyên nghiệp trong lĩnh vực thiết kế - xây dựng - hoàn thiện và là nhà quản lý dự án chuyên nghiệp. Được thành lập vào năm 2007, Ecoba tập trung vào phân khúc nhà ở với các công trình lớn như Aquabay Ecopark hay Vincity Ocean Park.
Trong khi đó, Haseko là tập đoàn xây dựng và phát triển bất động sản có tiếng ở Nhật với doanh số 8 tỉ USD/năm. Tập đoàn này bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2012 với vai trò là chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp The Authentic Haseko tại Long Biên theo tiêu chuẩn Nhật. Việc đầu tư vào Ecoba lần này thể hiện cột mốc quan trọng trong tiến trình thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường gần 100 triệu dân.
Ảnh: Quý Hòa.
Có thể nói, xây dựng là một trong những ngành gây ấn tượng nhất giữa cơn bão đại dịch. Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành này ghi nhận tốc độ tăng trưởng lên tới 4,5%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP (1,81%). Theo Công ty Chứng khoán PSI, trong trung và dài hạn, ngành xây dựng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực nhờ dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa cao của Việt Nam.
Đến cuối năm 2019, dân số Việt Nam đạt khoảng 96,2 triệu người, đứng thứ 3 Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới. Dân số Việt Nam trẻ (độ tuổi trung bình là 31) và đang trong thời kỳ dân số vàng với khoảng 46,8 triệu dân trong độ tuổi lao động. Nhưng đến nay, mới chỉ trên 1/3 dân số sống ở đô thị, khá thấp so với những nước khác trong khu vực. Điều này chỉ ra dư địa phát triển lớn của các đô thị Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng đô thị hóa Việt Nam năm 2019 đạt 2,9%, tương đối nhanh trong khu vực. Trong 10 năm tới, World Bank dự báo dân số đô thị Việt Nam dự phóng tăng trưởng trung bình 2,6%/năm, đứng thứ 3 trong khối ASEAN. Dự kiến đến năm 2039, sẽ có trên 50% dân số Việt Nam sống tại đô thị và lên tới 57,3% vào năm 2050. Ngoài ra, Việt Nam sở hữu cơ hội đầu tư hiếm có trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Theo bản kế hoạch đề ra mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) của World Bank, từ nay đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu tăng thêm 5-10 bậc. Để hiện thực hóa điều đó, Chính phủ đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó ưu tiên triển khai dự án nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam. Chính phủ cũng ưu tiên đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Mảng xây dựng hạ tầng khu công nghiệp cũng có động lực tăng trưởng mới nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, đi cùng với hưởng lợi khi các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA có hiệu lực.
“Kỳ vọng ngành xây dựng sẽ được cải thiện đáng kể về nhu cầu công việc trong giai đoạn sắp tới nhờ thị trường bất động sản phục hồi từ nửa cuối năm 2021 và các chính sách thúc đẩy nền kinh tế sau COVID-19. Ngoài ra, sau giai đoạn tái cấu trúc các mảng hoạt động cũng như ứng dụng công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng phát triển bền vững hơn, tăng khả năng cạnh tranh và cải thiện tính chu kỳ của ngành trong giai đoạn sắp tới”, phân tích của PSI nhận định.
Không chỉ nội địa, việc khai phá thị trường bên ngoài cũng có thể là hướng đi mới cho các tập đoàn xây dựng Việt Nam. Tổng sản lượng ngành xây dựng Việt Nam năm 2019 là 358.000 tỉ đồng, tức chưa đến 16 tỉ USD, theo báo cáo Bộ Xây dựng, trong khi quy mô thị trường xây dựng thế giới năm 2019 là 12.000 tỉ USD. Chỉ cần chiếm 1% thị trường thế giới, giá trị đã lên đến 120 tỉ USD, gấp gần 8 lần tổng sản lượng ngành xây dựng năm 2019.
-
Tiềm lực 5 đối tác Nhật Bản của Sumitomo tại dự án thành phố thông minh ở Hà Nội
Tập đoàn Sumitomo Corp đã bắt tay với 5 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản làm đối tác cho dự án thành phố thông minh tại Hà Nội, nhằm tận dụng các lợi thế về cơ sở hạ tầng, công nghệ và kinh nghiệm của các công ty này.