07/02/2024 3:56 PM
Ngân hàng Thế giới (WB) cùng đối tác đang bày tỏ mong muốn hỗ trợ, tài trợ vốn để phát triển các dự án đường sắt ở Việt Nam như đường sắt Vành đai phía Đông TP. Hà Nội, Biên Hòa – Vũng Tàu, TP.HCM – Cần Thơ… Tuy nhiên, WB muốn Việt Nam làm rõ nhiều thông tin trước khi rót vốn tài trợ.

Ngân hàng thế giới cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển mạng lưới đường sắt (Ảnh minh họa)

Theo CTTĐT Bộ Giao thông Vận tải (BGTVT), mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đã tiếp và làm việc với bà Kathy Whimp, Giám đốc Điều hành hoạt động dự án tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) về các dự án đường sắt.

Tại buổi làm việc này, phía WB mong muốn trao đổi với Bộ GTVT để làm rõ thông tin về các dự án đường sắt: Dự án đường sắt vành đai phía Đông TP Hà Nội, Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Dự án An toàn giao thông đường sắt.

Cụ thể, phía WB đề nghị làm rõ: Tuy cả bốn dự án đường sắt này đều nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhưng quy hoạch đang được điều chỉnh, các quy hoạch khu vực, chi tiết đang lập; nên khả năng ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị dự án ra sao.

Phía WB cũng cho rằng Việt Nam cần thực hiện một số cải cách về quản lý dự án ODA để chuẩn bị các dự án ODA một cách hiệu quả, nhanh chóng.

WB đề xuất một số cải cách như bỏ quy trình đề xuất dự án đối với các dự án đang sử dụng vốn trong nước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-Fs), sau đó chuyển sang dự án ODA.

Phía WB cũng đề xuất tăng mức trần các dự án do Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; cho phép sử dụng vốn vay ODA cho các hoạt động nghiên cứu và tăng cường thể chế, một số thiết bị; điều hòa những khác biệt giữa chính sách của WB và luật pháp Việt Nam, đặc biệt là vấn đề chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

WB cũng nêu một số vấn đề kĩ thuật cần làm rõ với các dự án cụ thể như: Thiết kế đảm bảo khả năng tiếp cận người tham gia giao thông phi cơ giới (người đi bộ...) với Dự án An toàn giao thông đường sắt; Vấn đề hình thức đầu tư là dự án PPP (đầu tư đối tác công - tư) có vốn ODA hay là dự án ODA thuần túy với Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Với Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, làm rõ kế hoạch đầu tư theo từng giai đoạn; tăng cường kết nối với các phương thức vận tải. Dự án đường sắt vành đai phía Đông TP Hà Nội, các phân tích nhu cầu đầu tư phải xem xét tác động dự kiến của dự án đối với kết nối đa phương thức...

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, bốn dự án đường sắt trên đã được quy hoạch, vì vậy việc điều chỉnh quy hoạch không ảnh hưởng đến kế hoạch tiến độ các dự án.

Thứ trưởng cho biết thêm, dự kiến tháng 3/2024, Cục Đường sắt VN sẽ trình Bộ GTVT các quy hoạch điều chỉnh, dự kiến sau khi lấy ý kiến các cơ quan liên quan và hoàn thiện tháng 9/2024, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Bộ GTVT tiếp thu và sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các đề xuất của WB. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với phía WB để có thể triển khai các bước tiếp theo, thúc đẩy tiến trình hợp tác các dự án đường sắt này.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến vành đai phía Đông thành phố Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng là một trong số 9 tuyến đường sắt được quy hoạch mới.

Tuyến đường sắt vành đai phía Đông thành phố Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng là đường đôi, khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm, chiều dài khoảng 59 km, được đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.

Dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ có điểm đầu tại Ga An Bình thuộc phường An Bình, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ga Cần Thơ thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ.

Dự án có mục tiêu xây dựng hoàn thiện toàn tuyến có tổng chiều dài khoảng 175,2km theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1435mm, điện khí hóa. Trên tuyến dự kiến bố trí 19 ga và 3 depot (An Bình, Tân Kiên, Cần Thơ), 4 trạm bảo dưỡng, khám xe (Thạnh Đức, Tam Hiệp, Cai Lậy, Bình Minh), 3 trạm bảo dưỡng hạ tầng.

Tổng mức đầu tư của dự án theo tính toán sơ bộ vào khoảng 205.085 tỉ đồng (khoảng 8.57 tỉ USD).

Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 65 km, điểm đầu tại ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tổng mức đầu tư khoảng 50.822 tỉ đồng, theo phương thức PPP.


Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.