“Kasikornbank quan tâm đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng Hoa Kỳ Citibank tại Thái Lan. Hoạt động kinh doanh bán lẻ của Citigroup tại đây có lượng khách hàng rất lớn và tốt”, bà Kattiya Indaravijaya, Giám đốc điều hành của ngân hàng Kasikornbank nói với Bloomberg.
Indaravijaya cho biết việc mua lại và mở rộng khu vực là chìa khóa cho Kasikornbank để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng lớn trong ngành, đặc biệt là các công ty công nghệ tài chính.
Hồi tháng 1, ông Pattarapong Kanhasuwan, Phó chủ tịch điều hành Kasikornbank cho biết Kasikornbank đã được cấp giấy phép mở chi nhánh tại TP.HCM. Chi nhánh dự kiến khai trương trong quý 3 năm nay.
“Sự chú ý hiện đang tập trung vào Việt Nam với tư cách là một trung tâm đầu tư trong khu vực, nơi đã thu hút các công ty hàng đầu thế giới - bao gồm cả những công ty từ Thái Lan nhờ nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ”, đại diện Kasikornbank cho biết
Citigroup theo chân các công ty cho vay toàn cầu khác như Standard Chartered và HSBC trong việc đóng cửa các chi nhánh bán lẻ tại Thái Lan. HSBC đã ngừng hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Thái Lan vào năm 2012, trong khi Standard Chartered thoái vốn vào năm 2017.
Tại Việt Nam, ANZ đã từ bỏ hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ vào năm 2017 và bán lại cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam. Việc bán mảng kinh doanh bán lẻ phù hợp với chiến lược nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của ANZ, cho phép ngân hàng tập trung vào các khách hàng tổ chức.
“Kasikornbank có kế hoạch mở rộng hoạt động của mình tại Indonesia và Việt Nam, đặc biệt là trong mảng bán lẻ, để khai thác nhu cầu ngày càng tăng từ dân số ngày càng tăng. Kasikornbank đang hợp tác với PT Bank Maspion Indonesia, trong đó ngân hàng này sở hữu khoảng 10% cổ phần. Tại Việt Nam, Kasikornbank đã có giấy phép hoạt động ngân hàng và đang hợp tác với các nhà cung cấp thương mại điện tử”, Indaravijaya cho biết thêm.