Theo các chuyên gia và ngân hàng, nếu áp dụng mức phí 2% thì ngân hàng thương mại sẽ dễ dàng hơn trong việc bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu.

alt

Ngân hàng sẽ dễ bán ngoại tệ mặt cho người dân nếu được tính phí 2%

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, hôm qua cơ quan này đã trình Thủ tướng các giải pháp bình ổn thị trường ngoại tệ, trong đó có việc cho phép các ngân hàng thương mại thu phí 2% đối với các khoản ngoại tệ bán cho người dân.

Việc thu phí 2% sẽ dựa trên giá bán trung bình cuối ngày hôm trước của các ngân hàng thương mại lớn làm tham chiếu. Đây là mức phí tối đa mà ngân hàng được áp dụng, và để cạnh tranh thì các ngân hàng cũng có thể đưa mức phí thấp hơn. Mức phí này, theo ông Nghĩa nếu cộng vào giá niêm yết tại các ngân hàng thì khoảng cách không quá thấp so với thị trường tự do nhưng cũng đủ hấp dẫn để người dân đến mua ngoại tệ tại ngân hàng. Ví dụ như, với mức giá trung bình cuối ngày hôm nay của các ngân hàng vào khoảng 20.890 đồng/đô la Mỹ, cộng phí 2%, thì giá một đô la đến tay người dân vào ngày mai khoảng 21.300 đồng, vẫn thấp hơn giá đô la thị trường tự do 100 đồng.

Ông Nghĩa cho rằng đây là giải pháp tạm thời để giải quyết nhu cầu ngoại tệ cho người dân, còn thực tế, cơ quan này cũng tham mưu thêm các giải pháp khác để ổn định thị trường ngoại tệ, như giảm hiện tượng đô la hóa bằng việc quy định trần lãi suất các khoản huy động và cho vay ngoại tệ. Việc này sẽ khiến cho lãi suất tiền đồng trở nên hấp dẫn hơn so với ngoại tệ. Đồng thời cơ quan này cũng đề xuất nhà nước thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô để khẳng định vị trí tiền đồng so với các vàng và các ngoại tệ khác.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, mức phí như trên là phù hợp. Vì ngân hàng cũng phải có chi phí đảm bảo dự trữ ngoại hối tiền mặt và những chi phí khác. Mặt khác, với mức phí 2%, thì khoản chênh lệch của thị trường chính thức và tự do sẽ thu hẹp, như vậy người dân sẽ đến ngân hàng mua ngoại tệ cho an toàn giúp cho thị trường ngoại tệ sẽ đi vào khuôn khổ.

Thêm vào đó, bà Xuyến cho rằng hiện tại, khách hàng có ngoại tệ trong thẻ tín dụng khi sang các nước khác muốn rút tiền mặt thì cũng phải chịu phí từ 2-4%. Vì vậy áp dụng mức phí này đối với các khoản ngoại tệ tiền mặt là hợp lý.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì trong buổi họp của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia vào cuối tuần trước, các thành viên cũng đã đồng ý đề xuất mức phí trên, song Ngân hàng Nhà nước chưa có bình luận gì về thông tin này.

Từ ngày 23-3, Ngân hàng Đông Á đã bán ngoại tệ cho cá nhân. Cụ thể, hạn mức bán ngoại tệ tiền mặt với mục đích du lịch, thăm viếng người thân, công tác... ở nước ngoài dưới 7 ngày là tương đương 300 đô la Mỹ/người, nếu lưu trú trên 7 ngày là 600 đô la/người. Trường hợp mua ngoại tệ cho mục đích khám chữa bệnh hạn mức tối đa tương đương 600 đô la/người nếu lưu trú dưới 7 ngày và 1.000 đô la nếu lưu trú trên 7 ngày.

Eximbank cũng cho biết hiện đã bán ngoại tệ cho cá nhân có nhu cầu. Theo đó, cá nhân đến nước nào thì ngân hàng sẽ bán loại tiền của nước đó. Trong trường hợp mua đô la Mỹ tiền mặt để đi nước ngoài, nếu chứng minh được nhu cầu sử dụng ngoại tệ hợp lý thì ngân hàng sẽ giải quyết.

Tuy nhiên, bà Xuyến cho biết, lượng ngoại tệ người dân bán cho ngân hàng chưa có dấu hiệu tăng. Theo bà thì hiện người dân đang chọn kênh gửi tiết kiệm để chờ có chính sách cụ thể rồi mới tính toán việc có bán hay không loại ngoại tệ cho ngân hàng.

Theo giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại nhà nước lớn, hiện tại ngân hàng này cũng giải quyết cho người dân mua ngoại tệ với mục đích chính đáng, nhưng do nguồn cung không lớn nên số lượng bán ra cũng hạn chế. Hiện tại ở chi nhánh của vị này, việc người dân đến bán ngoại tệ cũng hầu như không có.

CafeLand - Theo KTSG online
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland