Hưởng ứng lời kêu gọi giảm lãi suất của Hiệp hội Ngân hàng, một số ngân hàng thương mại đang rục rịch điều chỉnh lãi suất cho vay theo nhiều cách khác nhau.

Lãi suất liệu có giảm được như kỳ vọng? (ảnh: Q.Đ).
Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) áp dụng chính sách cho vay ưu đãi, với mức giảm lãi suất cho vay cao nhất là 20% so với mức hiện hành, áp dụng từ 11/10.
Lãi suất cho vay trong lần điều chỉnh này của MHB giảm khá mạnh ở một số nhóm đối tượng doanh nghiệp: xây dựng khu công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…
Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp đáp ứng đủ điều kiện của chương trình sẽ được giảm lãi suất từ 14,5%/năm xuống 12% - 12,5%/năm; kinh doanh bất động sản từ 16%/năm xuống 13% - 14%/năm; cho vay thu mua lương thực từ 12,5%/năm còn 11,5%/năm.
Trong tháng đầu tiên khai trương chi nhánh mới tại Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), TiênPhongBank triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt lãi suất 0% cho khách hàng vay tiêu dùng như mua xe ô tô, mua nhà hoặc sửa nhà…
Và nhằm hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp thu mua, sản xuất kinh doanh xuất khẩu cà phê, HDBank triển khai chương trình “Tài trợ vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cà phê”. Khách hàng được đảm bảo món vay bằng chính cà phê thành phẩm với lãi suất ưu đãi hấp dẫn, tổng số vốn dành cho chương trình lên đến 2.000 tỷ đồng.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay VND có xu hướng giảm nhẹ do một số ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng VND phục vụ sản xuất kinh doanh của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu là 11 - 14%/năm (ngắn hạn); 12,5- 14,5%/năm (trung và dài hạn). Nhóm Ngân hàng TMCP cho vay cũng với những đối tượng trên, lãi suất ngắn hạn ở mức 11,5- 14,5%/năm; trung và dài hạn ở mức 13,5 - 15,5%/năm.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tuần qua, lãi suất bình quân liên ngân hàng giảm nhẹ đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng và không kỳ hạn với các mức giảm từ 0,02% đến 0,25%. Riêng lãi suất giao dịch bình quân 12 tháng hầu như không có phát sinh, chỉ phát sinh 1 số món của 1 số ngân hàng TMCP cho công ty tài chính vay với mức lãi suất giao dịch trong khoảng từ 7% đến 9%.
Như vậy, lãi suất cho vay đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nhưng không phổ biến rộng rãi ở hầu hết các ngân hàng. Thống kê trong quý III của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND của các tổ chức tín dụng với khách hàng có xu hướng giảm, trong đó lãi suất huy động VND dao động ở mức 10,59 - 11,2%/năm, giảm 0,2 - 0,3%/năm so với cuối quý II/2010.
Bắt đầu từ ngày 15/10, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất huy động từ mức 11,2%/năm hiện nay xuống mức không vượt quá 11%/năm. Riêng lãi suất không kỳ hạn và lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng, các ngân hàng thương mại nên có mức điều chỉnh giảm mạnh hơn để tạo đường cong lãi suất hợp lý, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn dài hạn.
Trên cơ sở giảm lãi suất đầu vào, Hiệp hội kêu gọi các tổ chức hội viên tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đặc biệt cho 3 đối tượng ưu tiên của Chính phủ là khu vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp xuất khẩu; doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ xuống mức như Chính phủ chỉ đạo.
Cafeland.vn - Theo An Hạ (Dantri)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland