11/06/2012 7:47 AM
Nếu như phải tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với điều kiện cụ thể thì mức điều chỉnh là rất nhỏ.

Trước xu hướng Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đó là bước đi để tiến tới bỏ trần lãi suất huy động đối với tiền gửi VND trong tương lai khi có thời điểm thuận lợi.

Theo bà Hồng, trong 5 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng liên tục, 3 lần hạ các mức lãi suất điều hành xuống với tổng cộng là 3%, hạ 3% trần lãi suất huy động tiền gửi VND, và tiếp tục điều chỉnh lãi suất từ ngày 11/6.

Theo đó, mức lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng sẽ giảm xuống còn 12%, tái cấp vốn xuống còn 11%, tái chiết khấu giảm còn 9%. Ngày 11/6, khi điều hành thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất này.

Đối với trần lãi suất huy động, lãi suất không kỳ hạn và dưới một tháng thì giảm từ 2-3%, lãi suất dưới 12 tháng sẽ giảm từ 11% xuống 9%, lãi suất trung và dài hạn (trên 12 tháng) để các tổ chức tín dụng tự thỏa thuận.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì tương đối ổn định mức lãi suất hiện nay, nếu như phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cụ thể thì mức điều chỉnh là rất nhỏ và tổng mức điều chỉnh là không lớn.

Bà Hồng cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tung một lượng tiền tương đối lớn để mua ngoại tệ, làm tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, mặc dù kinh tế vĩ mô có chiều hướng đáng quan ngại nhưng cũng có nhiều điểm tích cực, như lãi suất đã giảm đáng kể, trong đó lãi suất huy động giảm 3-4%/năm, lãi suất cho vay giảm 2-5%/năm, tập trung chủ yếu giảm ở các lĩnh vực ưu tiên.

Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất vẫn còn cao, thậm chí trên 20%, bà Hồng cho biết, đó là mức lãi suất tín dụng cho vay với các lĩnh vực không được ưu tiên như đầu tư chứng khoán, bất động sản… và đó là điều bình thường.

Đối với tín dụng, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, từ cuối tháng 5/2012, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã xấp xỉ với mức cuối năm 2011. Tuy nhiên, so với các năm trước thì đây là mức giảm đáng quan tâm cần phải đưa ra các giải pháp làm sao để tăng tín dụng cao hơn, dù rằng tháng 3, 4 và tháng 5, tín dụng đều tăng nhưng mức tăng chưa lớn.

Có nhiều nguyên nhân, như giá vốn vẫn còn ở mức cao so với mức hấp thụ của doanh nghiệp; do trong bối cảnh cầu thế giới và cầu trong nước tăng chậm nên khả năng tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp cũng khó khăn…

“Những doanh nghiệp có khả năng tài chính lành mạnh thì người ta có thể cũng không vay, khi mà đầu ra chưa được giải phóng; còn những doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng lại chưa đủ các điều kiện để vay, và số doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn rất lớn”, bà Hồng chia sẻ.

Theo Economy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.