23/03/2016 2:29 PM
Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đã gây không ít lo ngại về việc thắt chặt tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đã tính lộ trình và ngân hàng muốn cho vay BĐS phải có nhiều vốn để đảm bảo an toàn.
Theo ông Nguyễn Trọng Du, Vụ trưởng Vụ Chính sách An toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước, chính sách đưa ra phải dựa trên phân tích các khía cạnh của nền kinh tế. Những rủi ro về thanh khoản, kinh doanh BĐS nếu không phòng ngừa thì sẽ không thể chủ động được.
“Để đến khi nó tác động đến hệ thống ngân hàng thì lúc đó Ngân hàng Nhà nước không còn dư địa để “trở tay” nữa. Vì vậy mà dự thảo cũng đưa ra với lộ trình đến 2 năm. Thông tư chủ yếu chỉ ảnh hưởng một phần hoạt động kinh doanh đầu tư mua để bán, còn các hoạt động hỗ trợ chính sách, cho vay BĐS tiêu dùng chỉ ảnh hưởng gián tiếp” - ông Du nói.
Ngân hàng muốn cho vay bất động sản phải có nhiều vốn
Thực tế, theo ông Du đây chỉ là công cụ liên quan đến an toàn vốn. Ngân hàng muốn cho vay thì phải có nhiều vốn hơn. Họ ngân hàng có thể lựa chọn tăng hay không tăng tỉ lệ vay và cho ai vay. Mỗi ngân hàng thương mại có “khẩu vị” rủi ro khác nhau nên không hẳn tất cả đều siết cho vay BĐS…
Báo cáo gần đây của Công ty chứng khoán VCSC dẫn nguồn tin từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) cho rằng, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đã bị truyền thông phóng đại và tác động đối với từng ngân hàng sẽ khác nhau. Riêng trong trường hợp của VCB thì “không đáng kể.” Cụ thể, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn tại VCB là 18% so với mức trần theo đề xuất là 40%. Tín dụng BĐS chỉ chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng và trong số 8% này, chỉ có khoảng 50% đến 60% có tỷ trọng rủi ro 150%.
Trong khi đó, về tác động của sửa đổi Thông tư 36, Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Bùi Quang Tín, cho rằng, dự thảo này vẫn có những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, thị trường BĐS và tổ chức/cá nhân tham gia vào thị trường BĐS hiện nay.
“Theo Thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 31/12/2015, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước, NHTM cổ phần lần lượt là: 33,36% và 36,90%. Trong khi đó, cũng theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ này đang tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2016, tức là tỷ lệ này đã rất gần mức 40% tại nhiều NHTM, do đó nếu tỷ lệ này được giảm xuống 40% từ 60% như trong dự thảo thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cho vay trung dài hạn, đặc biệt là cho vay đối với các giao dịch BĐS” - ông Tín phân tích.
Theo tính toán của Tiến sỹ Bùi Quang Tín, dựa vào Báo cáo tài chính của một vài NHTM lớn được công bố, trên 90% nguồn vốn huy động của ngân hàng là ngắn hạn. Do đó, nếu giới hạn tỷ lệ trên là 40% thì room còn lại để cho vay đối với BĐS sẽ không còn nhiều. Việc điều chỉnh này sẽ làm giảm tổng mức cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.
“Việc giảm tỷ lệ như trong dự thảo cũng nhằm mục đích quản trị tốt hơn về rủi ro thanh khoản của hệ thống NHTM hiện nay. Tuy nhiên, các NHTM vẫn còn rất nhiều cách khác, chứ không chỉ giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40%.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường hướng dẫn NHTM quản trị tốt rủi ro thanh khoản dần theo các chuẩn mực quốc tế cũng như tiếp tục tăng cường thanh tra và giám sát hoạt động kinh doanh của hệ thống NHTM nhằm đảm bảo sự ổn định trong hệ thống tài chính nói chung” ông Tín nêu quan điểm.
Quốc Tuấn (VIetnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.