SeABank khẳng định, sẵn sàng đưa lãi suất cho vay xuống 12-13%/năm. Ảnh: Chí Cường
Sáng 7/7, NHNN đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012. Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chỉ đạo, các ngân hàng khẩn trương đưa lãi suất với các khoản vay cũ xuống dưới 15%, các khoản vay mới áp dụng với mặt bằng lãi suất huy động mới. Thống đốc cũng cho thời hạn 1 tuần cho các tổ chức tín dụng triệt để quan điểm chỉ đạo tới chi nhánh các ngân hàng. Sau thời điểm này, tức đến 15/7, NHNN từng địa bàn sẽ làm việc với từng ngân hàng để đảm bảo việc cơ cấu nợ, hạ lãi suất được tiến hành đúng chủ trương đề ra.
Ủng hộ chủ trương này, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc ngân hàng Vietcombank cam kết, sẽ rà soát các khoản vay cũ, áp lãi suất từ 15%/năm trở xuống. Cũng theo ông Nguyễn Phước Thanh, hiện lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên của Vietcombank không quá 11%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực không ưu tiên tối đa 15%/năm, các khoản vay lãi suất quá 15% chỉ chiếm khoảng 12- 13% và không có khoản vay nào quá 18%/năm.
“Chúng tôi phải tự cứu mình thôi, ôm tín dụng mà không bơm ra được thì ngân hàng cũng chết. Trong 6 tháng cuối năm, ngoài 4 lĩnh vực ưu tiên, chúng tôi sẽ tập trung vào tiêu dùng. Phấn đấu năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt 10- 12%”.
Ngay sau phát biểu của ông Nguyễn Phước Thanh, bà Nguyễn Thị Mai sương, giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội khẳng định, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Hà Nội quyết tâm đưa những khoản vay cũ có lãi suất trên 20% xuống dưới 20%/năm ngay trong tháng 7 này.
Cam kết này của NHNN chi nhánh Hà Nội ngay lập tức bị Thống đốc Nguyễn Văn Bình “phê” là: “Hà Nội phấn đấu kém quá, lãi suất dưới 20%/năm thì vẫn còn quá cao. Đề nghị sau hội nghị sơ kết này, NHNN phải làm việc với các ngân hàng thương mại, khẩn trương, quyết liệt đưa lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm”.
Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietinbank cũng khẳng định: “Hiện chúng tôi áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn là 11-12%/năm, trung hạn là dưới 15%, còn vài khoản vay lãi suất 16% nhưng chúng tôi sẽ nhanh chóng điều chỉnh giảm xuống dưới 15%. Chúng tôi khẳng định, mọi khách hàng, đủ đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của Vietinbank đều được vay vốn lãi suất 11-12%/năm, không cần phương án kinh doanh hiệu quả lắm”.
Cũng theo ông Hùng, Vietinbank đã gặp gỡ với nhiều doanh nghiệp để đàm phán, tìm phương án giải quyết khó khăn, chấp nhận miễn giảm lãi 100% với mọt số doanh nghiệp.
Không có lợi thế về vốn như các ngân hàng TMCP Nhà nước, song bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch HĐQT ngân hàng SeABank khẳng định, sẵn sàng đưa lãi suất cho vay xuống 12-13%/năm. Tuy nhiên, bà Nga cũng cho rằng, doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ ngân hàng. “Có khoản vay cũ trong lĩnh vực bất động sản với lãi suất 24%/năm, chúng tôi đã chấp nhận giảm xuống 12%/năm để doanh nghiệp có điều kiện trả lãi. Nhưng hạ một nửa lãi suất rồi mà doanh nghiệp vẫn chần chừ. Ngân hàng chấp nhận hạ lãi suất nhưng doanh nghiệp cũng phải trả lại vốn cho ngân hàng, để ngân hàng có điều kiện hoạt động”, bà Nga phát biểu.
Trong khi đó, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT của ngân hàng Eximbank cho rằng, thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng đang “hút máu” doanh nghiệp là không đúng. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cần phải quản trị, điều hành tốt để không gây đổ vỡ toàn hệ thống. Bởi đặc thù của doanh nghiệp ngân hàng là sống dựa trên niềm tin của người gửi tiền, nên dù rất muốn đẩy mạnh cho vay, ngân hàng cũng phải chọn mặt gửi vàng. Trên thực tế, thời gian qua, Eximbank đã chấp nhận miễn giảm 100 tỷ đồng lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Lê Hùng Dũng cũng cho biết, ngay trong ngày 7/7, ông đã thống nhất với Ban Điều hành về việc hạ lãi suất xuống theo đúng chủ trương của NHNN.