Về lâu dài, cần một chính sách tín dụng dài hơi cho thị trường bất động sản phát triển bền vững. Ảnh: Đức Thanh
Lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định, nếu có chiến lược phân tán rủi ro, rót tiền đúng đối tượng, bất động sản vẫn là lĩnh vực cho vay an toàn và biên lợi nhuận cao nhất.
Ngân hàng ưu tiên cho vay bất động sản
Năm 2020, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13%, một phần nhờ dựa vào hệ sinh thái bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng mà ngân hàng này đang có, thông qua bắt tay với một số ông lớn như Sungroup, Vingroup.
Trước lo lắng của cổ đông về việc dựa quá nhiều vào bất động sản, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho hay, bất động sản là lĩnh vực được ngân hàng xác định là lĩnh vực ưu tiên từ 5 năm trước do có nhiều lợi thế và thực tế cũng đã phát triển nhanh trong những năm vừa qua.
“Hiện nay, khách hàng cá nhân có nhu cầu đầu tư bất động sản rất lớn, nên việc ngân hàng phục vụ nhu cầu lớn nhất đó là bình thường. Trong chuỗi giá trị bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, Techcombank sẽ tiếp tục tập trung vào các phân khúc ít rủi ro, như người mua nhà ở, các giai đoạn bán và giao hàng của dự án.Ở giai đoạn xây dựng, tập trung cho vay nhà thầu để phân tán rủi ro”, ông Hồ Hùng Anh cho biết.
Về nguy cơ rơi vào rủi ro khi thị trường bất động sản đóng băng, lãnh đạo Techcombank cho rằng, Ngân hàng đang đảm bảo mọi yêu cầu về an toàn vốn (CAR). Mặt khác, dư nợ lĩnh vực bất động sản của Techcombank tương đối lớn, nhưng nếu so với các tổ chức khác thì không quá cao.
“Nhiều ý kiến đánh đồng cho vay mua nhà là rủi ro, nhưng theo tôi, rủi ro là ở cách quản lý, kiểm soát của ngân hàng. Nếu ngân hàng kiểm soát tốt, quản lý tốt thì không thể coi đó là quá rủi ro được. Chúng tôi đánh giá cho vay mua nhà là mảng quan trọng bởi ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất, người ta có thể bán cổ phiếu, bán tài sản khác chứ ngôi nhà thì vẫn giữ, nên phải chú trọng vào đó”. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank |
Không chỉ Techcombank, nhiều ngân hàng khác cũng đang tập trung đẩy mạnh cho vay mua nhà, giải ngân vốn cho bất động sản. Đơn cử, tại VPBank, trong bối cảnh tín dụng tiêu dùng, tín dụng tiểu thương, doanh nghiệp SMEs suy giảm, lãnh đạo ngân hàng này đang tính tới đẩy mạnh cho vay mua nhà.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mặc dù thị trường bất động sản nói chung gặp nhiều khó khăn do Covid - 19, song nhiều phân khúc vẫn rất “sáng”, như bất động sản logistics; bất động sản công nghiệp có sẵn nguồn đất sạch; nhà ở phân khúc trung lưu và nhà giá thấp… Cho vay các phân khúc này, ngân hàng vẫn đảm bảo an toàn.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến tháng 6/2020, tín dụng bất động sản toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1%, bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nước. Tuy nhiên, về tỷ trọng, tín dụng bất động sản vẫn chiếm gần 20% tổng dư nợ tín dụng cả nước, trong đó có gần 63% tổng dư nợ cho vay bất động sản là cá nhân vay mua nhà.
Đại diện NHNN cũng khẳng định, ngành ngân hàng sẽ kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, hướng dòng vốn này chảy vào nhu cầu thực. Theo đó, các ngân hàng chỉ cấp tín dụng với các dự án khả thi, có hồ sơ pháp lý đầy đủ, tập trung cho vay cá nhân mua nhà có chứng minh được khả năng trả nợ thay vì cho vay chủ đầu tư để phân tán rủi ro.
Ngân hàng, chủ đầu tư minh bạch, tín dụng bất động sản không đáng sợ
Nói về sự chuyển hướng cho vay bất động sản của ngân hàng hiện nay, Giám đốc bán lẻ của một ngân hàng TMCP nhận định: “Cho vay bất động sản - tập trung vào cá nhân mua nhà - sẽ giúp ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn. Doanh nghiệp các lĩnh vực khác phục hồi rất chậm, trong khi nhu cầu mua nhà ở, mua đất đầu tư của cá nhân vẫn khá tốt. Đẩy mạnh cho vay mua nhà lúc này vừa giúp người dân, nhà đầu tư tận dụng cơ hội mua nhà giá tốt, vừa kích hoạt được doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ngân hàng phục hồi”.
Thời gian qua, NHNN có nhiều giải pháp siết chặt tín dụng bất động sản, như giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; nâng cao hệ số rủi ro. NHNN cũng khuyến khích nhà băng cho cá nhân vay tiền mua nhà, hạn chế cho chủ đầu tư vay vốn. Dự thảo Thông tư quy định về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng đang được NHNN xây dựng cũng quy định chặt chẽ việc nhà băng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để “chặn” việc mua trái phiếu để đảo nợ.
Dù vậy, cho vay lĩnh vực này vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của các ngân hàng. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, bất động sản luôn là lĩnh vực ưa thích của các ngân hàng, bởi biên lợi nhuận (NIM) tốt và tài sản thế chấp có giá trị và có tính thanh khoản cao.
“Nếu chủ đầu tư và ngân hàng đều minh bạch, cho vay bất động sản không hề đáng sợ, thậm chí nợ xấu còn thấp hơn một số lĩnh vực khác. Thực tế, ở nhiều quốc gia phát triển, cho vay bất động sản (kể cả cho vay cá nhân mua nhà và cho vay chủ đầu tư) của nhiều ngân hàng là rất lớn”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia ngân hàng, việc NHNN kiểm soát tín dụng bất động sản để thị trường này phát triển ổn định, tránh bong bóng là cần thiết. Song cũng không nên siết quá chặt để thị trường đóng băng. Về lâu dài, cần một chính sách tín dụng dài hơi cho thị trường bất động sản phát triển bền vững.
“Để hỗ trợ tín dụng bất động sản, NHNN có thể xem xét hoãn lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, nới lỏng các biện pháp hạn chế cho vay bất động sản và cho vay mua nhà, tiếp tục giảm thêm lãi vay trung, dài hạn…”, TS. Lê Xuân Nghĩa đề nghị.
Mặc dù ủng hộ đẩy mạnh tín dụng bất động sản, song chuyên gia này cũng cho rằng, các ngân hàng cần phải bắt tay chặt chẽ với chủ đầu tư để có thể kiểm soát tốt dòng tiền, chỉ cho vay những phân khúc có tính thanh khoản tốt, những dự án có tính khả thi cao để tránh dẫm vào vết xe đổ.