“Thời điểm này mà chôn tiền vào nhà đất Hà Nội thì không ăn thua nữa rồi. Nếu có vài ba tỷ đồng, anh có thể làm chủ 500 – 700 m2 đất ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh..., rồi cứ thế mà chia nhỏ ra mà bán thì may ra mới có lãi”
Chán Hà Nội, nhiều nhà đầu tư chạy những dự án tận miền Trung. Nhưng đánh bắt “xa bờ” đi kèm rủi ro cũng rất lớn!
Khi cơ hội kiếm lời tại thị trường Hà Nội đang ngày càng trở nên khó khăn thì cũng là lúc giới đầu tư bất động sản buộc phải tính đến chuyện bủa lưới, giăng câu ở những địa bàn mới lân cận, thậm chí xa hơn.
Đây có thể là một động thái không phải quá mới lạ của giới đầu tư địa ốc, song nếu đi sâu tìm hiểu cái cách mà họ đầu tư và kết quả thu được mới thấy rằng, ngoài Hà Nội và Tp.HCM ra, các địa phương khác nhu cầu thực về bất động sản vẫn chưa phải là ở mức cao. Do vậy, sự sốt nóng hay đóng băng trên thị trường có chăng cũng chỉ là do một nhóm đầu cơ tạo ra, để rồi rốt cuộc có kẻ hả hê, kẻ khóc ngậm ngùi.
Đất Hà Nội không còn là "con gà đẻ trứng vàng"
Trong một lần trò chuyện với nhóm đầu tư bất động sản Hà Nội, người viết được một nhà đầu tư tên Thành thổ lộ, từ cuối năm 2010 đến nay, tổng tài sản của anh đã bốc hơi gần 1 tỷ đồng chỉ vì giá nhà đất Hà Nội chững lại.
Vào thời điểm cuối năm ngoái, anh vay tiền ngân hàng 3 tỷ đồng, lãi suất 18% để nộp tiền theo tiến độ cho 5 căn hộ tại các dự án dọc trục đường Lê Văn Lương kéo dài. Với chủ định là sẽ nộp cọc mỗi căn một ít, sau đó tìm khách lướt sóng kiếm lời. Thế nhưng, không may cho anh, chỉ sau khi nộp tiền đợt 1 cho 5 căn hộ trên, kinh tế rơi vào khó khăn, lạm phát tăng cao, ngân hàng liên tiếp gọi lên điều chỉnh lãi suất vay, trong khi rao bán nhà thì chẳng khách nào nhòm ngó.
Kết quả là suốt từ đó đến nay, toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh của hai vợ chồng đều dồn vào trả lãi ngân hàng, mỗi tháng cũng lên tới trên 50 triệu cả gốc và lãi.
“Tôi đầu tư đất cát khá lâu nhưng chưa năm nào lại đen như năm nay. Cũng nghe ngóng báo chí, chuyên gia nói về sự sụt giảm của thị trường, sự bão hòa và khó khăn của căn hộ chung cư, song máu kinh doanh cộng thêm lòng tham nên vẫn cứ ném tiền vào. Giờ thì anh biết rồi đó, bán giá gốc cũng không mà nào mua”, anh Thành nói.
Không đến mức đen đủi như anh Thành, chị Vũ Thị Hoa dù có vướng vào đất cát từ cuối năm với việc dốc hết tiền của trong nhà mua hai lô đất dự án một ở An Khánh, một ở tận Tiến Xuân, giáp Hòa Bình.
Theo tư vấn của bạn bè và tính toán của chị, giá đất Hà Nội mỗi năm tăng khoảng 20 -30% nên chỉ cần bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng thì sau một năm có thể bỏ túi 500 – 700 triệu đồng là chuyện bình thường.
Thế nhưng, cũng như anh Thành, mọi việc diễn ra trên thị trường địa ốc Hà Nội từ ngót năm nay đều nằm ngoài tính toán của chị. Không những thị trường căn hộ chững lại mà ngay cả đất dự án, thổ cư cũng chìm theo khó khăn của nền kinh tế. Rốt cục là 2 tỷ đồng ném chôn vào đất suốt gần 1 năm qua đã không thể đẻ thêm cho chị một cắc nào, thậm chí mới đây, duy nhất có một khách hỏi mua nhưng nếu tính tổng vốn bỏ ra, chị bị âm vào 20 triệu. Đó là chưa tính giá trị sinh lời từ 2 tỷ đồng nếu nó được đem bỏ nhà băng từ cuối năm ngoái đến nay.
“Thời điểm này mà chôn tiền vào nhà đất Hà Nội thì không ăn thua nữa rồi. Nếu có vài ba tỷ đồng, anh có thể làm chủ 500 – 700 m2 đất ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh..., rồi cứ thế mà chia nhỏ ra mà bán thì may ra mới có lãi”, chị Hoa tư vấn.
|
Nhiều nhà đầu tư BĐS đã chán đất tại Hà Nội vì không còn sinh lợi! |
“Xa bờ” có dễ kiếm?
Trong câu chuyện của nhóm các nhà đầu tư trên, có một điểm chung mà họ đồng nhất với nhau là đều có chủ trương “đánh bắt xa bờ” trong bối cảnh thị trường bất động sản tại Hà Nội trầm lắng.
Một điểm tương đồng nữa của nhóm các nhà đầu tư trên là họ đều tiết lộ chiến lược đầu tư của mình, mà cụ thể là đầu tư vùng ven tuy vốn bỏ ra ít hơn nhiều so với khu vực Hà Nội, song lợi nhuận thu về lại không hề thua kém.
Quan điểm trên càng được khẳng định trong báo cáo mới nhất của Công ty CBRE Việt Nam về thị trường bất động sản Đà Nẵng cho thấy,trong khi thị trường tại Hà Nội, Tp.HCM rơi vào trầm lắng, giá giảm nhanh thì giá căn hộ hạng sang tại Đà Nẵng vẫn giữ ổn định suốt từ đầu năm đến nay. Thậm chí, đến hết quý 1 vừa qua, có đến 85,2% căn hộ hạng sang tại Đà Nẵng đã được bán hết.
Thế nhưng, bất ngờ nhất có lẽ là khi mà giá bán của các biệt thự nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng hiện nay có hơn phân nửa là nằm trong khoảng từ 500 - 900 nghìn USD/căn - một mức giá không hề “mềm” chút nào, nhưng có đến 80% là khách hàng đến từ Hà Nội.
Ngay cả phân khúc căn hộ cũng có tới 51% khách hàng có “hộ khẩu” Hà Nội, trong khi khách hàng là dân thổ cư chỉ chiếm 39%, khảo sát của CBRE cho hay.
Anh Vũ Đình Anh, một nhà đầu tư cho hay, sau Tết Nguyên đán, qua giới thiệu của người thân, anh mua 2 mảnh đất, một ở Đà Nẵng, một ở Cần Thơ với giá gần 3 tỷ đồng cho hai mảnh.
Đến nay, gần nửa năm, mảnh đất anh mua gần biển Mỹ Khê, Đà Nẵng đã có người trả chênh gần 300 triệu đồng, còn mảnh ở Cần Thơ thì giá vẫn giậm chân tại chỗ. Theo anh thì tính chung lại vẫn lãi được chút ít, vì còn có chỗ nọ bù chỗ kia.
Nhưng với một đồng nghiệp của anh thì lại không được may mắn như vậy. Vị này mua tận gần 1.000 m2 đất tại thành phố Quảng Ngãi suốt hơn một năm nay nhưng không tăng giá được một đồng nào. Nếu số tiền đó mà đem gửi ngân hàng, mỗi tháng cũng mang về cho đồng nghiệp của anh gần 40 triệu đồng.
Và theo như lời của nhà đầu tư trên, quả thật đầu tư bất động sản ở những địa phương, khu vực mới là chiến lược hợp lý khi mà thị trường Hà Nội, Tp.HCM đang gặp khó. Tuy nhiên, muốn thắng thì việc lựa chọn địa phương để đầu tư cũng hết sức quan trọng, bởi không ít đồng nghiệp của anh đã rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, dở khóc dở cưởi khi ôm cả hàng trăm m2 đất tận Quảng Trị, Cần Thơ mấy năm trời không lãi được một đồng.
Đấy là với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Còn các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản lớn, thị trường Hà Nội hay Tp.HCM giờ đây cũng không phải là miền đất hứa như nhiều năm về trước. Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh, mới đây cho hay trên thực tế thì địa phương này hoàn toàn không có ưu đãi đặc biệt gì đối với các nhà đầu tư bất động sản, ngoài việc tạo điều kiện nhanh gọn về các thủ tục hành chính.
Thế nhưng, kết quả khiến lãnh đạo tỉnh bất ngờ là chỉ trong một thời gian ngắn, địa phương này đã nhận được đề nghị và đã cấp phép cho hơn 400 dự án, trong đó phần lớn là dự án bất động sản, khu công nghiệp.
Lý giải cho tình trạng “bội thực” dự án, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho rằng, rất có thể các nhà đầu tư bất động sản đã nhìn thấy tiềm năng phát triển bất động sản du lịch tại các khu vực giáp ranh Hà Nội như Xuân Mai, Lương Sơn... nên đã rót vốn vào đây.
Tổng giám đốc Tập đoàn Arhchi Việt Nam Nguyễn Thành Nam, cho hay sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các khu vực có thể phát triển đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, doanh nghiệp này đã chọn khu vực Hòa Bình là nơi “đóng đô” cho các dự án của mình.
Thực tế thì trong số các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, khu vực Hòa Bình vẫn được doanh nghiệp này xếp hàng số 1 trong số các khu vực mang lại giá trị lợi nhuận cao.
Còn theo ông Vũ Hoài Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bất động sản Netreal Việt Nam, sở dĩ các nhà đầu tư bất động sản lớn nhỏ hiện nay đều chọn các khu vực lân cận Hà Nội, thậm chí tận các địa phương xa nơi khác là do thanh khoản ở Hà Nội đang gặp khó khăn, trong khi các dự án thì ngày một nhiều lên.
Do vậy, những địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh... là đích ngắm của giới đầu tư kể cả lướt sóng và đầu tư dự án.
Nhìn nhận về triển vọng thị trường bất động sản các khu vực lân cận Hà Nội nói chung và khu vực Vĩnh Phúc nói riêng, ông Mai Tuấn An, Giám đốc Công ty Kiến trúc An và Cộng sự cho biết, không rầm rộ như thị trường Thủ đô, song thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội, trong đó có Vĩnh Phúc đang “ấm” dần lên.
Do có sự đổ bộ của giới đầu tư nên giá đất tại nhiều dự án của Vĩnh Phúc đã tăng nhanh, nhiều nhà đầu tư trong tỉnh cũng như các đại gia Thủ đô đã tìm đến với kỳ vọng sẽ kiếm được lợi nhuận từ thị trường vốn được xem là cửa ngõ phía Đông Bắc Hà Nội.