Những tưởng trong một thời gian ngắn, vùng đất Ba Vì - Sơn Tây sẽ có điều kiện bứt phá, đời sống người dân nơi đây sẽ đổi thay mỗi ngày. Song trong thực tế, chỉ một việc cỏn con như chính sách trợ giá phương tiện vận tải công cộng (xe buýt đường dài) từ Hà Nội đi Sơn Tây, Ba Vì, chùa Hương (Mỹ Đức) và một số địa danh khác, người dân mong mỏi được hưởng chính sách đó mà mãi chẳng thấy đâu. Nhiều địa phương đã kêu tới cấp TP, song không rõ vì sao nửa năm qua vẫn chưa thấy hồi âm, nhân dân thì mỏi mòn trông chờ.
Tháng 9.2012, UBND H.Mỹ Đức đã gửi lãnh đạo TP bày tỏ nguyện vọng này bởi nơi đây có di tích danh lam thắng cảnh nổi tiếng chùa Hương. Nếu được hỗ trợ ưu đãi cho phương tiện vận tải công cộng, du khách thập phương sẽ đến nhiều hơn theo lối du lịch bình dân.
UBND H.Ba Vì cũng có văn bản vào thời điểm đó với cùng nội dung tương tự, bởi đây là vùng du lịch nổi tiếng, chưa kể còn là khu vực đóng quân của rất nhiều đơn vị quân đội, nhu cầu đi lại của cán bộ, chiến sĩ rất lớn…
Tôi cho rằng, chỉ nói ở một vùng đất như Ba Vì và Sơn Tây cũng đã có nhiều tiềm năng để phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và đặc biệt là phát triển du lịch. Đó là chưa kể sau này, bằng thực tế sẽ chứng minh Sơn Tây còn phải trở thành một TP vệ tinh của thủ đô. Việc nhà nước, mà cụ thể là chính quyền TP.Hà Nội xem xét chính sách trợ giá xe buýt cho tuyến đường Hà Nội đi Sơn Tây, Ba Vì và nhiều địa danh khác thuộc Hà Tây cũ sẽ giúp san lấp khoảng cách nông thôn và thành thị của một đô thị thuộc loại lớn trên thế giới.
Được biết ở Ba Vì hiện có những xã vẫn nằm trong diện nghèo nhất Hà Nội. Giá cước xe buýt hiện tại khá cao với mức trên 20.000 đồng cho chặng đường khoảng 40 km (Hà Nội - Sơn Tây) vì không được trợ giá, trong khi đó nếu được trợ giá như tuyến Hà Nội - Bắc Ninh (chặng đường tương tự) thì chỉ có 7.000 đồng. Không lẽ trợ giá xe buýt liên tỉnh thì được còn nội tỉnh thì lại không?...
Có một sự tế nhị cần phải nhắc đến: đó là tâm trạng của người dân Hà Tây cũ sau khi sáp nhập về thủ đô, rất nhiều người đã kỳ vọng về một tương lai tốt đẹp. Cụm từ “người Hà Nội 2” mà người dân tự trào có một chút gì đó ngậm ngùi nên cần sớm xóa bỏ trong tâm tư mọi người. Cần nhớ rằng, họ đang là những công dân thủ đô.