28/03/2011 2:25 AM
Lâu nay, nói đến phi sản xuất người ta nghĩ ngay 3 lĩnh vực là bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng xếp bất động sản vào lĩnh vực phi sản xuất là không chính xác. Thế nên, việc xác định lĩnh vực bất động sản có thuộc “diện” phi sản xuất hay sản xuất vẫn đang là vấn đề còn nhiều tranh cãi.

alt

Hạn chế nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sẽ làm toàn bộ ngành công nghiệp phụ trợ khác bị ảnh hưởng. Ảnh: Nguồn internet

Chu kì kinh tế là yếu tố quan trọng tác động tới hoạt động của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực. Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam, lĩnh vực xây dựng nói chung, ngành bất động sản nói riêng đã không ngừng tăng trưởng qua các năm.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, “tạo lập bất động sản là một ngành sản xuất vì nó ra sản phẩm hẳn hoi. Ví như xây một cái nhà 30 tầng, cao khoảng 90m, có kích thước khối lượng nhất định và nó là sản phẩm sử dụng rất nhiều vật liệu xây dựng, xi măng sắt thép, gạch ngói, nhất là sử dụng nhiều lao động… Trường hợp dịch vụ, hoặc kinh doanh mua bán hay vay tiền để giải phóng đất đai rồi để đấy thì đúng là thuộc lĩnh vực phi sản xuất thật.” (Lao động).

Mới đây, các chuyên gia đều chờ đợi tín hiệu đầu tiên về sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ, đó là sự ấm lên của thị trường bất động sản, điều đó cho thấy số việc làm tạo ra tăng lên, giúp tin tưởng khả năng chi tiêu cho thời gian tới. Điều kích thích các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc mở rộng sản xuất.

Bất động sản là tài sản lớn của mỗi quốc gia. Tỷ trọng bất động sản trong tổng số của cải xã hội ở các nước có khác nhau nhưng thường chiếm trên dưới 40% lượng của cải vật chất của mỗi nước. Trong khi các hoạt động liên quan đến bất động sản chiếm tới 30% tổng hoạt động của nền kinh tế.

Trên thực tế, bất động sản là ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông nhất. Hơn thế nữa, bất động sản là ngành có mối liên kết chặt chẽ với rất nhiều ngành công nghiệp khác, tạo một nền tảng vững chắc cho sự phát triển nền kinh tế. Các ngành sản xuất như thép, xi măng và vật liệu xây dựng đóng vai trò là các nhà cung cấp đầu vào cho lĩnh vực bất động sản.

Ngoài yếu tố là tài sản quốc gia, bất động sản còn là tài sản lớn của từng hộ gia đình. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường thì bất động sản ngoài chức năng là nơi ở, nơi tổ chức hoạt động kinh tế gia đình, nó còn là nguồn vốn để phát triển thông qua hoạt động thế chấp.

Theo thống kê của Cục quản lý nhà, ở các nước phát triển lượng tiền ngân hàng cho vay qua thế chấp bằng bất động sản chiếm trên 80% trong tổng lượng vốn cho vay. Vì vậy, phát triển đầu tư, kinh doanh bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển các tài sản thành nguồn tài chính dồi dào phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của nền kinh tế.

Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy để đạt tiêu chuẩn của một nước công nghiệp hóa thì tỷ lệ đô thị hóa thường chiếm từ 60-80%. Như vậy, vấn đề phát triển thị trường bất động sản để đáp ứng yêu cầu đô thị hóa ở nước ta là vấn đề lớn và có tầm quan trọng đặc biệt nhất là khi nước ta chuyển sang cơ chế thị trường trong điều kiện các thiết chế về quản lý Nhà nước đối với công tác quy hoạch chưa được thực thi có chất lượng và hiệu quả thì việc phát triển và quản lý thị trường bất động sản ở đô thị phải đi đôi với tăng cường công tác quy hoạch để khắc phục những tốn kém và vướng mắc trong tương lai.

Trong khi đó, ngành bất động sản có quan hệ trực tiếp với các thị trường như: Tài chính tín dụng, xây dựng, vật liệu xây dựng, lao động...

Theo phân tích đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ở các nước phát triển nếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng lên 1 USD thì sẽ có khả năng thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển từ 1,5 – 2 USD. Phát triển và điều hành tốt thị trường bất động sản sẽ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các biện pháp kích thích vào đất đai, tạo lập các công trình, nhà xưởng, vật kiến trúc...để từ đó tạo nên chuyển dịch đáng kể và quan trọng về cơ cấu trong các ngành, các vùng lãnh thổ và trên phạm vi cả nước.

Theo thống kê của Tổng cục thuế các khoản thu ngân sách có liên quan đến nhà, đất trong giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2000 bình quân là 4.645 tỷ đồng/năm mặc dù tỷ lệ này mới chiếm gần 30% các giao dịch, còn trên 70% chưa kiểm soát được và thực tế là các giao dịch không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Nếu thúc đẩy bằng cơ chế, chính sách và pháp luật để các giao dịch bất động sản chính thức (có đăng ký và thực hiện nghĩa vụ thuế) và đổi mới cơ chế giao dịch theo giá thị trường thì hàng năm thị trường bất động sản sẽ đóng góp cho nền kinh tế trên dưới 20.000 tỷ đồng mỗi năm.

Thị trường nhà ở là bộ phận quan trọng chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường bất động sản. Thị trường nhà ở là thị trường sôi động nhất trong thị trường bất động sản, những cơn “sốt” nhà đất hầu hết đều bắt đầu từ “sốt” nhà ở và lan tỏa sang các thị trường bất động sản khác và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Vì vậy, phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản nhà ở, bình ổn thị trường nhà ở, bảo đảm cho giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân là một trong những vai trò quan trọng của quản lý nhà nước về thị trường bất động sản nhà ở.

Theo CafeLand, từ những phân tích trên thì việc xét bất động sản vào lĩnh vực phi sản xuất có chính xác? Như vậy, việc hạn chế nguồn tín dụng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sẽ kéo theo việc cắt giảm hàng triệu lao động, đồng nghĩa với hạn chế chi tiêu.

Mặt khác, hạn chế nguồn vốn vào lĩnh vực này sẽ làm toàn bộ ngành công nghiệp phụ trợ khác bị ảnh hưởng. Trong khi đó, bản thân những ngành này cũng là những ngành có tỷ lệ sử dụng lao động phổ thông rất lớn. Một sự suy giảm kép về lao động của ngành bất động sản và ngành công nghiệp phụ trợ hẳn sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tăng trưởng kinh tế và các vấn đề xã hội.

tag: phi san xuat, san xuat, bds la phi san xuat

Thu Thảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland