Giá ở đâu cũng vượt tầm với
Nếu nhìn vào thực tế thị trường tại TP.HCM hiện nay, khái niệm “nhà giá rẻ” đã không còn tồn tại. Thậm chí phân khúc được cho là vừa túi tiền nhất là căn hộ giá khoảng 2 tỉ đồng cũng gần như “tuyệt chủng” với dự án mới.
Theo khảo sát, với 2 tỉ đồng người mua chỉ có thể tiếp cận được với những dự án chung cư đã bàn giao từ 5 – 10 năm ở các quận huyện vùng ven TP.HCM. Căn hộ loại này thường có diện tích nhỏ, dự án không có nhiều tiện ích và bắt đầu có những dấu hiệu xuống cấp.
Trong khi đó, giá chào bán tại những dự án chung cư mới của TP.HCM hiện nay trung bình khoảng 50 – 60 triệu đồng/m2. Tại một dự án ở khu vực quận 9 cũ (nay là TP. Thủ Đức) căn hộ với diện tích 50m2, một phòng ngủ, một nhà vệ sinh có giá khoảng 3 tỉ đồng. Trong khi đó, một dự án căn hộ “hàng hiệu” tại trung tâm TP. Thủ Đức giá bán đã vượt 100 triệu đồng/m2.
Với tầm tiền khoảng 2 tỉ đồng đổ lại, những khu vực khả dĩ nhất hiện nay là TP. Thuận An và Dĩ An của Bình Dương. Thực tế, trong khoảng 3 năm gần đây, khi nguồn cung tại TP.HCM nhỏ giọt thì hai thành phố giáp ranh này trở thành nguồn cung chính cho thị trường.
Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM như Hưng Thịnh, Phát Đạt, Vạn Xuân… cũng đổ về khu vực này để tìm kiếm quỹ đất triển khai dự án.
Quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến Thủ Dầu Một đang được xem là “đại lộ chung cư” tại Bình Dương. Dọc tuyến đường này hàng loạt dự án đã và đang mọc lên như Roxana Plaza, Marina Tower, The Emerald Golf View, Astral City, Lavita Thuận An, Hồ Gươm Xanh, Happy One… Các dự án đang có giá bán trung bình từ 35 – 40 triệu đồng/m2. Thậm chí một vài dự án giá vọt lên ngưỡng 50 triệu đồng/m2.
Khu vực cũng đang có nhiều dự án chung cư mọc lên là Quốc lộ 1K. Trong đó, chủ đầu tư Bcons là doanh nghiệp có nhiều dự án hơn cả như Bcons Green View, Bcons Garden, Bcons Bee…giá bán của những dự án này khoảng tầm 1,5 tỉ đồng/căn.
Với thu nhập của hai vợ chồng chỉ hơn 20 triệu đồng, chị Thanh (ngụ TP. Thủ Đức) cho biết, chị khó có thể mua nổi một căn hộ nhỏ dù dự án ở Bình Dương. Bởi, khoản thu nhập này sau khi trang trải nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống thì chẳng còn dư được bao nhiêu.
Thà thuê còn hơn cố đi xa chịu khổ
Rõ ràng, với mức tăng giá chóng mặt của nhà đất hiện nay, dù chấp nhận đi xa nhiều người vẫn không thể tìm được sản phẩm phù hợp. Trong khi đó, nhiều người có điều kiện hơn, hoặc chấp nhận áp lực vay ngân hàng để mua được nhà nhưng sau đó cũng khó về ở bởi hàng loạt khó khăn từ việc nhà quá xa chỗ làm.
Anh Thuận, mua được căn hộ tại dự án giáp ranh Bình Dương nhưng sau đó quyết định không ở mà cho thuê lại. Lý do chính là từ nhà để đi đến chỗ làm phải mất hơn tiếng đồng hồ.
“ Ở nước ngoài khoảng cách chỗ ở và làm có khi lên đến hàng trăm km họ vẫn di chuyển mỗi ngày nhờ vào mạng lưới giao thông hiện đại. Nhưng giao thông của ta có khi khoảng cách chỉ vài km cũng mất cả tiếng đồng hồ di chuyển”, anh Thuận nói.
Người đàn ông này lấy ví dụ, hiện nay TP. Thủ Đức được xem là khu vực có hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản nhất cũng nhiều vấn đề. Các tuyến đường như quốc lộ 13, Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội…thường xuyên kẹt xe, ngập nước mỗi khi mưa lớn.
Giao thông là thách thức lớn đối với những ai chấp nhận mua nhà ở xa với chỗ làm
Anh Chính, một nhà đầu tư bất động sản chia sẻ, hiện nay các chủ đầu tư bất động sản đều muốn bán được hàng nên thường vẽ ra bức tranh “màu hồng” để thu hút người mua. Nhiều dự án có vị trí khá xa nhưng được quảng cáo chỉ mất 15 – 30 phút để đi vào trung tâm dù thực tế phải mất cả tiếng đồng hồ với giao thông hiện tại.
Do đó, người mua cần tính toán kĩ và xem xét khả năng chịu đựng của bản thân trước khi mua nhà ở xa để không ảnh đến chất lượng cuộc sống. Nếu có điều kiện chỉ nên mua để dành, cho khách sống gần khu vực đó thuê. Còn vẫn mua nhà ở xa, riêng việc di chuyển mỗi ngày hàng chục km trên đường với tình trạng kẹt xe, ô nhiễm, nắng mưa… không phải ai cũng chịu được.
Anh Chính lấy ví dụ, ngay tại TP. Thủ Đức, một dự án đại đô thị lớn được đầu tư rất hoành tráng nhưng đang đứng trước nguy cơ vắng người vì về ở và cho thuê đều khó khăn. Dự án chỉ cách trung tâm thành phố khoảng hơn 20km nhưng lại rất mất thời gian di chuyển bởi tuyến đường kết nối nhỏ hẹp, lưu lượng phương tiện quá lớn, hỗn tạp nhiều loại xe lớn như xe tải, xe container…
Theo nhà đầu tư này, với quỹ đất của TP.HCM không còn nhiều, để xây dựng các dự án có giá bình dân thì phải dạt về vùng ven là tất yếu. Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn cũng đã tuyên bố sẽ xây dựng nhiều đô thị những khu vực vùng ven.
Tuy nhiên, bên cạnh mức giá bình dân, bài toán kết nối hạ tầng cần được giải quyết. Nếu không, dự án giá bán hợp lý sẽ chỉ là cơ hội cho người đầu tư, đầu cơ chứ người có nhu cầu ở thật rất khó về ở.
Bằng chứng rõ ràng nhất, là hiện nay TP.HCM có hàng nghìn căn nhà đang bỏ hoang ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B. Lý do chính khiến cho người dân không về đây sinh sống là bởi vị trí quá xa trung tâm thành phố, nơi đó họ không có sinh kế, hoặc phải di chuyển quá xa để vào trung tâm thành phố làm việc.
-
Do đâu giá căn hộ vùng ven ngày càng cao, vượt cả khu trung tâm?
Thị trường bất động sản đang diễn ra một nghịch lý là giá căn hộ tại một số quận vùng ven đang tăng nhanh, thậm chí vượt cả khu trung tâm.
-
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
-
Cầu cửa ngõ phía Tây TP.HCM chính thức thông xe
Ngày 21/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) tổ chức lễ thông xe cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân, TP.HCM). Đây là cây cầu quan trọng, kết nối giao thông ở QL1A vào trung tâm TP....
-
Hôm nay (21/1), tuyến metro hơn 43.700 tỷ đồng sẽ chính thức thu phí
Sau 1 tháng chạy thử nghiệm và miễn phí, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức thu phí từ ngày 21/1. Việc thu phí được kỳ vọng sẽ giúp tuyến metro duy trì hoạt động bền vững và đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư, bảo trì....