CafeLand – Bên cạnh việc ủng hộ tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ cho trường hợp người mua nhà đã ký hợp đồng và giải ngân dở dang, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng sau khi gói này kết thúc, nên có một gói tín dụng mới hỗ trợ người thu nhập thấp, trung bình khá mua nhà.

Một dự án bất động sản có bán căn hộ vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng - Ảnh: C.M

Chờ gói 30.000 tỷ được gia hạn giải ngân

Những ngày qua, thông tin gói 30.000 tỷ đồng sẽ ngừng giải ngân vào ngày 1/6/2016 khiến nhiều người có nhu cầu vay vốn mua nhà vô cùng lo lắng, thậm chí là hoang mang. Nhất là mới đây, vào ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hoả tốc gửi các ngân hàng đang triển khai gói 30.000 tỷ, chỉ đạo dừng ký hợp đồng tín dụng mới kể từ ngày 31/3/2016 đối với toàn bộ đối tượng khách hàng của Chương trình tín dụng ưu đãi.

Theo các chuyên gia tại một tọa đàm, do Tạp chí Đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức mới đây thì những nguyên nhân chính khiến người mua nhà cảm thấy bức xúc và bất ngờ trước thông tin sau ngày 1/6 sẽ dừng giải ngân là do khi ký hợp đồng mua nhà, họ chưa được các nhân viên tín dụng của ngân hàng tư vấn kỹ, trong khi ngôn ngữ của các văn bản luật, hợp đồng lại khó hiểu.

Luật sư Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty Luật ATIM dẫn chứng, ngay cả bản thân ông là luật sư nhưng khi tìm hiểu về gói 30.000 tỷ cũng phải nghiên cứu rất kỹ các văn bản luật, phải quay về các văn bản gốc, nhất là Thông tư 02/2013 của Ngân hàng nhà nước. Lật lại các văn bản hướng dẫn thì cũng không có ngôn từ nào ghi rõ ràng về thời điểm dừng giải ngân gói này sau 1/6.

Các chuyên gia khác cũng cho rằng, lỗi một phần là do người đi vay chỉ quan tâm đến việc được vay, lãi suất vay mà bỏ qua các thời hạn áp dụng quan trọng trong hợp đồng tín dụng. Nếu mọi chuyện rõ ràng ngay từ đầu, ai cũng biết thì có thể đã tránh được những hoang mang của dư luận suốt những ngày qua.

TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng để gỡ vướng cho gói 30.000 tỷ đồng hiện nay, nên tiếp tục giải ngân cho vay ưu đãi đối với các trường hợp đã ký kết hợp đồng mua nhân và đang giải ngân dở dang cho hết gói tín dụng. Còn các hợp đồng mới thì không nên.

Để giải vây cho gói 30.000 tỷ, giảm bớt lo lắng và hỗ trợ người mua nhà, ngày 23/3 vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn kiến nghị Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân để người vay được tiếp tục hưởng lãi suất ưu đãi.

Theo nội dung văn bản này, trường hợp đến 1/6/2016 mà chưa giải ngân hết số tiền 30.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn để các đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở được tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi đến hết 30.000 tỷ đồng của toàn bộ chương trình.

Động thái mới này được cho là Ngân hàng Nhà nước đã lắng nghe và gần gũi hơn với ý kiến người dân, phần nào đã trấn an được tâm lý hoang mang của người mua nhà hiện nay. Tuy nhiên, có gia hạn giải ngân tiếp gói 30.000 tỷ hay không thì vẫn phải chờ quyết định chính thức của Chính phủ.

Nên có thêm gói vay mới

Đánh giá về hiệu quả của gói 30.000 tỷ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.Hồ Chí Minh cho rằng mặc dù thời gian đầu do vướng mắc nên quá trình giải ngân chậm tuy nhiên, gói tín dụng này và Thông tư 11 đã có tác động mạnh đến thị trường bất động sản và người mua nhà. Bằng chứng là đã có khoảng 43.000 hộ gia đình thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi mua nhà, góp phần an sinh xã hội. Hàng tồn kho thị trường bất động sản cũng giảm mạnh so với các năm trước đó. Gói 30.000 tỷ đã có kết thúc có hậu.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhìn nhận, trong quy định về đối tượng được vay gói 30.000 nếu nói là người nghèo thì còn bị chệch hướng, chưa đúng. Vì đã nghèo thì không có tiền để vay mua nhà nên điều đó là không có ý nghĩa xã hội.

Theo ông Đực, sau gói 30.000 tỷ kết thúc nên có một gói tín dụng mới cho vay lãi suất ưu đãi đối với người thu nhập trung bình khá, không phải chỉ là người nghèo nữa.

“Việc gia hạn gói 30.000 tỷ có ý nghĩa thì nên làm, nếu không không nên kéo dài thêm nữa. Quan trọng là nên làm sao có gói hỗ trợ mới cho người thu nhập thấp, trung bình khá và làm sao kéo giá căn hộ xuống khoảng 200 - 300 triệu đồng để họ có thể mua”, ông Đực nhấn mạnh.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, số đông người dân đô thị ở Việt Nam hiện nay là người thu nhập trung bình, thấp. Người thu nhập thấp ở bất cứ xã hội nào cũng rất dễ bị tổn thương và cần chỗ ở. Tuy nhiên, chúng ta nên tạo điều kiện để mọi người dân có chỗ ở, chứ không phải là ai cũng phải được sở hữu nhà ở. Có thể đó là việc xây dựng những căn hộ giá rẻ để cho họ thuê. Vì mua nhà, sở hữu nhà là việc khó với những người thu nhập thấp.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 25 và có chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực triển khai chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 100 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ vốn đối với người thu nhập thấp mua nhà. Những người dân chưa được vay vốn ưu đãi từ chương trình 30.000 tỷ đồng có thể tìm vay các gói vay tương tự tại Ngân hàng này để mua nhà.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.