04/06/2021 10:33 AM
CafeLand - Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân tại một số chung cư ở Hà Nội dường như cũng tỷ lệ thuận với sự khắc nghiệt của thời tiết những ngày gần đây. Thay vì hoà giải, nhiều chủ đầu tư xem việc cắt điện, nước của cư dân giữa tiết trời oi bức như một vũ khí để “răn đe”.

Đua nhau cắt điện, nước

Phản ánh với CafeLand mới đây, một cư dân sống tại dự án Tháp Doanh nhân (số 1 Thanh Bình, Hà Đông, Hà Nội) do Công ty CP xuất nhập khẩu Tây Đô – thuộc Tập đoàn Anh Quân Strong làm chủ đầu tư, cho biết vào tối 1/6, hàng trăm cư dân phải đổ ra đường vì bị chủ đầu tư cắt điện khi nhiệt độ đang ở ngưỡng cao điểm.

Trong lúc dịch bệnh đang căng thẳng, Nhà nước kêu gọi người dân không tụ tập đông người, hành động của chủ đầu tư đã khiến công an địa phương phải có mặt để giải quyết.

Theo cư dân này, tình trạng ngắt điện, chuyển điện tại dự án thường xuyên xảy ra do công trình chưa được nghiệm thu nên điện, nước không được mua trực tiếp của Nhà nước mà phải đấu nối qua khách sạn đồng sở hữu của Anh Quân.

Do vậy, việc quá tải là điều không tránh khỏi, nhất là trong lúc cao điểm nắng nóng. Có ngày bị ngắt điện cả chục lần, đỉnh điểm ngày 1/6 mất điện 20 lần.

“Việc cắt điện, chuyển điện đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của chúng tôi. Nhiều thiết bị sử dụng trong nhà như điều hoà, tủ lạnh bị hư hỏng”, cư dân này cho biết.

Hơn trăm người dân đổ ra đường giữa đêm vì bị cắt điện.

Quá bức xúc, chiều tối ngày 1/6, cư dân đã lên văn phòng của chủ đầu tư để thắc mắc, yêu cầu chủ đầu tư giải quyết.

Kết quả cho việc đấu tranh, phản đối chủ đầu tư của cư dân là hơn 100 người tham gia vào buổi đóng góp ý kiến vừa rồi phải “ra đường” giữa đêm vì bị cắt điện.

Sau sự việc này, chủ đầu tư đã có cuộc gặp giải đáp thắc mắc nhưng không thể xoa dịu bức xúc của cư dân.

Chủ đầu tư cho rằng thiết kế của căn hộ đảm bảo không bị ảnh hưởng khi điện bị ngắt và sẽ cố gắng khắc phục tình trạng này trong 2-3 tháng tới, khi công trình được nghiệm thu.

Chưa bàn ai đúng sai trong câu chuyện này nhưng rõ ràng ở thời điểm dịch bệnh đang căng thẳng, thời tiết nắng nóng, việc cắt điện của chủ đầu tư chẳng khác nào hành động tra tấn.

Xét về lý, cư dân đấu tố chủ đầu tư là bởi, tháng 12/2019 dự án mới được bàn giao, chậm so với thời gian ghi trong hợp đồng mua bán.

Tháng 7/2020, chủ đầu tư lại gửi thông báo ngược thời gian của năm 2019 tới từng căn hộ đã ở với nội dung chỉ được nhận và hoàn thiện không được ở.

Điều đáng nói là cho đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục công trình, cũng không thực hiện nghĩa vụ đã ký kết trong hợp đồng.

Thông báo cắt điện từ chủ đầu tư.

Ngoài ra, dự án còn có nhiều bất cập khác là tầng hầm để xe thiếu an toàn, dù chưa được nghiệm thu PCCC nhưng đã được đưa vào sử dụng, không có hệ thống gương cầu lồi cảnh báo, không kẻ vạch; thay đổi thiết kế ban đầu…

Trường hợp chủ đầu tư cắt điện để giải quyết mâu thuẫn tại dự án nêu trên chưa phải cá biệt.

Giữa tháng 5 vừa qua, do không tìm được tiếng nói chung về phí vận hành và tiện ích, cư dân không đóng phí dịch vụ nên chủ đầu tư Chung cư 6th Element (Tây Hồ, Hà Nội) là Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà đã cắt nước sinh hoạt tại một số hộ.

Một số cư dân tại dự án cho biết, theo hợp đồng, chủ đầu tư sẽ miễn phí năm đầu phí dịch vụ, bắt đầu từ 1/1/2021 mới thu phí.

Cư dân Chung cư 6th Element phản đối việc chủ đầu tư cắt nước.

Từ năm 2020, cư dân đã đề cập đến việc cần thoả thuận lại mức phí quản lý, nhưng do không nhận được phản hồi từ chủ đầu tư nên nhiều hộ quyết định chưa nộp phí dịch vụ, yêu cầu chủ đầu tư đàm phán.

Theo đó, từ 1/1/2021 đến nay, có khoảng 400 căn hộ chưa đóng phí dịch vụ, một số hộ chỉ đóng một phần họ cho là phù hợp.

Cư dân cho rằng, giữa thời điểm nắng nóng cao độ và dịch bệnh phức tạp, việc bị cắt nước sinh hoạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, thậm chí gây mất an toàn PCCC.

Đáng chú ý, dù cắt nước nhưng chủ đầu tư lại chuẩn bị hàng chục can 20 lít đặt ngoài sảnh và đặt biển hướng dẫn khu vực lấy nước cho cư dân.

Hay như trước đó không lâu, cư dân chung cư Eurowindow River Park (Đông Anh, Hà Nội) cũng bị ban quản lý dự án bắt tháo băng rôn, nếu không sẽ dừng cung cấp dịch vụ điện, nước.

Nguyên nhân phát sinh tranh chấp, khiến cư dân phải căng băng rôn phản đối là do sau gần nửa năm nhận nhà về ở, dự án đến nay vẫn chưa hoàn thiện các tiện ích cơ bản như sảnh lễ tân, nhà vệ sinh chung, hệ thống PCCC.

Lối ra vào của chung cư này cũng đã được chủ đầu tư bán hết cho những hộ kinh doanh, buộc cư dân phải đi cửa hậu chứ không phải cửa chính. Đặc biệt, chủ đầu tư cũng chưa bàn giao sổ hồng cho cư dân.

Có thể khởi kiện

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM), khẳng định chủ đầu tư không có thẩm quyền tự cắt điện, nước, dịch vụ của cư dân vì họ không có chức năng quản lý.

Đối với đơn vị quản lý dự án, chỉ khi có yêu cầu từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đơn vị này mới có thể thực hiện cắt điện, nước, ngăn chặn các dịch vụ quản lý.

Luật sư Phượng phân tích, trước đây trong Quy chế quản lý nhà chung cư theo Quyết 08/2008 của Bộ Xây dựng có quy định Ban quản trị đề nghị cơ quan cấp điện, nước ngừng cung cấp, nếu người sử dụng nhà chung cư không thực hiện đóng góp đầy đủ, đúng hạn chi phí quản lý vận hành nhà chung cư và vi phạm quy chế.

Tuy nhiên, quy định này không được còn quy định trong các quy chế quản lý nhà chung cư sau đó.

Ngoài ra, trong Thông tư 02/2016/TT - BXD có quy định việc ngừng cung cấp điện nước theo quan hệ giữa người dân và công ty cung cấp dịch vụ điện nước và theo các quy định riêng như Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

“Đây hoàn toàn không phải là biện pháp để chủ đầu tư hay đơn vị quản lý được lạm dụng tiến hành”, luật sư Phượng nhấn mạnh.

Mới đây, ngay tại Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 mới được Quốc hội thông qua, theo đó đã không chấp nhận bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”.

Do đó, nếu chủ đầu tư, đơn vị quản lý nào cắt điện, nước của cư dân mà không phải do nợ chi phí cung cấp điện nước (ngừng cung cấp dịch vụ theo quy định pháp luật) là hành vi phạm pháp luật.

Với trường hợp vi phạm lần đầu là xử phạt vi phạm hành chính thì bị xử phạt từ 2 đến 4 triệu đồng theo Khoản 3 Điều 12 Nghị định 34/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện.

Nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về việc cắt điện nhưng vẫn thực hiện thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 199 Luật hình sự sửa đổi năm 2017 về “Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện”.

Cũng theo luật sư Phượng, ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính hay quy định của Bộ luật hình sự trên thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

“Đối với những vụ việc này, có thể thiệt hại không nhiều nhưng người dân cũng nên khởi kiện để làm tiền lệ áp dụng và có thể yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp là cung cấp ngay lại điện, nước để phục vụ sinh hoạt thiết yếu của gia đình mình”, luật sư Phượng cho biết.

  • Cư dân khởi kiện chủ đầu tư vì “om” quỹ bảo trì

    Cư dân khởi kiện chủ đầu tư vì “om” quỹ bảo trì

    CafeLand - Đại diện Ban quản trị toà nhà CT1 Vân Canh đã quyết định khởi kiện chủ đầu tư là Công ty bất động sản AZ ra Toà án nhân dân quận Cầu Giấy, yêu cầu chủ đầu tư trả lại quỹ bảo trì 2% theo đúng quy định của pháp luật.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.