18/04/2025 5:09 PM
Trong năm 2025, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM và Hà Nội dự kiến sẽ khởi công 3 tuyến metro.

Ngày 18/4, tại TP.HCM, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) và Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Thông tin về công tác tư vấn thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM và thành phố Hà Nội”.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo sở ngành ở Hà Nội, TP.HCM cùng với nhiều chuyên gia lĩnh vực trong nước, quốc tế. Các đơn vị tập trung bàn về công tác tư vấn thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại 2 thành phố.

Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM Phan Công Bằng phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM Phan Công Bằng, cho biết hội nghị nhằm giới thiệu, trình bày về quy hoạch và kế hoạch triển khai Nghị quyết số 188 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, TP.HCM.

Bên cạnh đó, thông tin cập nhật về tình hình cũng như kế hoạch triển khai dự kiến của Dự án tuyến Metro số 2 TP.HCM (Bến Thành - Tham Lương) trong bối cảnh Thành phố đã quyết định chuyển từ nguồn vốn vay ODA sang sử dụng vốn ngân sách trong nước, trước mắt là công tác tuyển chọn Tư vấn, bao gồm: Tư vấn lập “Điều chỉnh dự án - Thiết kế FEED và đấu thầu” và Tư vấn thẩm tra “Điều chỉnh dự án - Thiết kế FEED”.

Theo Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Bùi Anh Huấn, Chiến lược phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM với mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 7 tuyến (từ tuyến số 1 đến tuyến số 7) với chiều dài 355km, đáp ứng 22km/1 triệu dân và dự kiến đảm bảo đạt 40-50% nhu cầu đi lại của người dân.

Tính sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 40,21 tỷ USD và chi phí vận hành khai thác khoảng 0,398 tỷ USD.

Đến năm 2045, hoàn thành 3 tuyến (tuyến số 8, 9 và 10) với chiều dài 155 km; đáp ứng 26km/1 triệu dân và dự kiến đảm bảo đạt 50-60% nhu cầu đi lại của người dân.

Đối với tuyến metro số 2, tuyến kết nối với 2 đô thị lớn là Thủ Thiêm và Tây Bắc (Củ Chi). Hiện dự án này dự kiến làm bằng vốn ngân sách có tổng mức đầu tư khoảng gần 48.000 tỷ đồng, chiều dài 11km. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ khởi công tuyến này vào năm 2025, đến năm 2030 sẽ hoàn thành.

Còn theo đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, hiện Hà Nội có 3 đoạn tuyến đã được phê duyệt quy hoạch 6 đoạn/tuyến đang nghiên cứu sơ bộ về hướng tuyến và vị trí nhà ga. Trong giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn khoảng 15,80 tỷ USD và hoàn thành thi công xây dựng 7 tuyến với chiều dài 116,84 km và năng lực vận tải đến năm 2030, đảm nhận từ 27-32% lượng hành khách công cộng.

Đối với giai đoạn 2031 - 2035, nhu cầu vốn khoảng 21,37 tỷ USD, năng lực vận tải đến sau 2035, đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng. Giai đoạn 2036 - 2045, nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỷ USD và hoàn thành đầu tư xây dựng 600,2 km đường sắt đô thị.

Trong năm 2025, TP Hà Nội dự kiến khởi công 2 tuyến metro số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc); tuyến metro số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).

Tại hội nghị, các đơn vị tiến hành khảo sát, lắng nghe kinh nghiệm từ tư vấn trong nước, ngoài nước. Đặc biệt chú trọng đến khảo sát xây dựng, thiết kế FEED, lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu EPC, tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát cho các tuyến đường sắt đô thị trong thời gian sắp tới.

Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.