Trong giai đoạn 2016-2020, 19 tập đoàn, tổng công ty hầu như không có dự án, công trình khởi công mới.

Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, 19 tập đoàn, tổng công ty hầu như không có dự án, công trình khởi công mới.

Tại Hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước năm 2021 chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư nhà nước và chiếm 10% tổng đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng, ngang tầm với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.

Trong giai đoạn 2016-2020, 19 tập đoàn, tổng công ty hầu như không có dự án, công trình khởi công mới. Thời gian qua, các cơ quan đã tích cực giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, đã báo cáo Bộ Chính trị, tìm được hướng xử lý với nhiều dự án, doanh nghiệp và đang tiếp tục tìm hướng xử lý với các dự án, doanh nghiệp khác.

Thủ tướng chỉ ra ba nguyên nhân chủ quan lớn, trong đó vướng mắc lớn nhất là về pháp lý; sự phối hợp giữa các bộ, ngành để xử lý các khó khăn, vướng mắc nói chung chưa thật sự chặt chẽ, có hiệu quả. Trong khi đó, Ủy ban là mô hình mới, cần tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp, các ngành có liên quan, cụ thể là Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban và các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực xử lý có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, bất cập của 19 tập đoàn, tổng công ty.

Thủ tướng đề nghị 19 tập đoàn, tổng công ty nâng cao nhận thức và trách nhiệm với tài sản, nguồn vốn của Nhà nước, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm.

Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, các doanh nghiệp phải phát huy nguồn lực, tập trung thúc đẩy ba động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, đổi mới mô hình quản lý, nâng cao năng lực quản trị hiện đại trên cơ sở chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật.

Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đầu tư cho đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, các ngành mới nổi liên quan tới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch được Chính phủ giao; chủ động xử lý dứt điểm việc cơ cấu lại đối với 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý và Chính phủ đã có kế hoạch; khẩn trương xây dựng, trình phương án xử lý đối với 4/12 dự án, doanh nghiệp còn lại để trình Bộ Chính trị.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam,
Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.