CafeLand - Đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới lao đao. Ngành ngân hàng vào lúc cao điểm dịch cũng không ngoại lệ. Nhưng nửa cuối năm 2020, cổ phiếu ngân hàng đã vực dậy một cách ngoạn mục, dẫn dắt thị trường vượt khó khăn.

Đầu năm 2020: Vốn hóa bốc hơi

Trong thời điểm nửa đầu năm, nhất là 3 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán ngân hàng vô cùng ảm đạm. Trong số, 18 ngân hàng niêm yết trên 2 sàn HOSE, HNX và đăng ký giao dịch trên UPCOM, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều theo xu hướng giảm. Vốn hóa ngân hàng “tan biến” hơn 272,673 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm, tương đương giảm 28% so với mức cuối năm 2019.

Ở phía các “ông lớn” gốc Nhà nước, mất mát lớn nhất là BIDV (BID) và Vietcombank (VCB). Vốn hóa của Vietcombank đã “ra đi” hơn 106.000 tỷ đồng, tương đương giảm 32%, chỉ còn gần 230.000 tỷ đồng. BIDV cũng đã mất gần 65.000 tỷ đồng vốn hóa, giảm 34% về mức gần 125.000 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu các ngân hàng đều chìm trong sắc đỏ 3 tháng đầu năm – thời kỳ đỉnh dịch. Những cổ phiếu có giá sụt giảm mạnh nhất là Techcombank (TCB) giảm 37%, HDBank (HDB) và MBBank (MBB) cùng giảm 36%, BIDV (BID) giảm 34% và Vietcombank (VCB) giảm 32%.

Giá giảm mạnh nhưng thanh khoản vẫn tăng. Quý I/2020 đã có gần 4.200 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng với hơn 77.500 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, SHB giữ vị trí đứng đầu về thanh khoản khi có gần 820 triệu cổ phiếu được giao dịch, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Về tốc độ tăng trưởng, có đến 14/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, Ngân hàng quốc dân (NVB) có thanh khoản tăng mạnh nhất với gần 164 triệu cổ phiếu được giao dịch, cao gấp 3,5 lần quý 1/2019.

Điểm “kick” pháp luật: ngân hàng ồ ạt lên sàn

Bước ngoặt diễn ra khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam lạc quan hơn từ nửa cuối năm. Đồng thời các chính sách mới của chính phủ đã tạo được những chuyển biến mới tích cực đối với cổ phiếu ngân hàng.

Nghị định 108/2013/NĐ-CP yêu cầu các doanh nghiệp, bao gồm cả ngân hàng, sau khi phát hành cổ phiếu ra công chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán trong thời gian 1 năm kể từ ngày phát hành. Nếu không thực hiện, doanh nghiệp sẽ bị phạt nặng, còn nhà đầu tư được quyền đòi lại tiền đã góp vào doanh nghiệp.

Tiếp theo đó, một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành ngân hàng trong tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 là bắt buộc tất cả các ngân hàng thương mại phải niêm yết trên sàn chứng khoán để đảm bảo tính minh bạch.

Cụ thể, theo Quyết định số 242 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 28/2/2019 phê duyệt Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, đến hết năm 2020, tất cả các ngân hàng thương mại sẽ phải đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM.

Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 31 ngân hàng đang hoạt động trên thị trường, đã có 18 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Trong đó, có 4 cái tên mới gia nhập trên sàn HOSE gồm Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB), Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB). Ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Nam Á (NAB) cũng đã gửi hồ sơ đăng ký niêm yết lên sàn HOSE.

Bên cạnh đó, hàng loạt các ngân hàng như Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGB), Ngân hàng An Bình (ABB), Ngân hàng Bản Việt (BVB), Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SGB)…cũng đua nhau lên sàn UPCOM.

Cuối năm 2020: giá tăng mạnh, cổ phiếu ngân hàng thống lĩnh thị trường

Sau làn sóng lên sàn, chuyển sàn, cổ phiếu hàng loạt ngân hàng tăng mạnh. Nếu tính từ đáy cuối tháng 3/2020 – thời điểm thị trường chạm đáy vì covid-19 – thì đại đa số cổ phiếu ngân hàng đều tăng ngoạn mục. Có 12 mã tăng trên 50%, trong đó 5 mã tăng trên 100% và VIB tăng 211%.

Đà tăng của VN-Index được duy trì suốt 4 tháng cuối năm 2020. Đặc biệt, cuối tháng 11, ghi nhận chỉ số VN-Index “làm nên lịch sử” với mức cao nhất đạt gần 1.100 điểm. Trong 10 cổ phiếu thúc đẩy VN-Index tăng mạnh thì có tới 8 cổ phiếu của các ngân hàng gồm Techcombank (TCB), LienVietPostBank (LPB), Vietcombank (VCB), BIDV (BID), MBBank (MBB), TPBank (TPB), HDBank (HDB) và Sacombank (STB).

Cụ thể, ngày 20/12, trong 10 mã tăng mạnh nhất VN30 thì đã có 5 mã cổ phiếu của các ngân hàng là Techcombank (13,8%), LienVietPostBank (11,8%), Sacombank (7,5%), MBBank (7,4%) và HDBank (6,5%).

Đến hết tháng 11, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng cũng đã ghi nhận tăng thêm hơn 143.873 tỷ đồng, lên mức hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Riêng LPB và VIB sau khi niêm yết trên sàn HOSE, giá trị vốn hóa của 2 nhà băng này đã lần lượt tăng thêm gần 98 tỷ đồng và 296 tỷ đồng.

Mới đây, thị trường cũng ghi nhận sự lật đổ ngoạn mục của Vietcombank (VCB) khi cổ phiếu này vượt qua Vingroup trở thành mã vốn hóa lớn nhất trong chỉ số VN-Index. Tại phiên ngày 14/12, VCB tăng 2,8% lên 99.900 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa đạt hơn 362.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 9,3% tổng vốn hóa toàn sàn HOSE.

Thời điểm cuối năm 2020, nhiều ngân hàng cũng thông báo đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính của 26 ngân hàng đã công bố, tổng lợi nhuận sau 3 quý đầu năm 2020 của các ngân hàng đạt 76.273 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ 2019.

Vietcombank tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận với 12.794 tỷ đồng lãi sau thuế. 3 ngân hàng xếp sau đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số về lợi nhuận, bao gồm: Techcombank tăng 20,6%; VietinBank tăng 22,4% và VPBank tăng 30,6% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, vẫn có một “án treo” lơ lửng với các ngân hàng là nợ xấu. Khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp hết hiệu lực, nợ xấu có khả năng sẽ “dềnh lên”. Các ngân hàng trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ để xử lý những khoản nợ xấu khủng lồ này.

Chủ đề: Cổ phiếu ngân hàng,
Hiếu Hiền
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.