23/11/2020 7:04 AM
CafeLand - Đã có hàng chục nhà bán lẻ Mỹ đã nộp đơn phá sản trong năm 2020 khi bị đẩy vào tình trạng sụt giảm doanh số và không thể vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Đã có hàng chục nhà bán lẻ Mỹ đã nộp đơn phá sản trong năm 2020 khi bị đẩy vào tình trạng sụt giảm doanh số và không thể vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Các nhà phân tích cho rằng một làn sóng “phá sản” khác có thể sẽ xảy ra trong tương lai, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ cuối năm. Quy mô của làn sóng đó phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của các nhà bán lẻ trong những tháng mùa đông.

Nhiều người tiêu dùng hiểu sai về khái niệm phá sản, cứ tưởng rằng một thương hiệu phá sản sẽ biến mất khỏi thị trường. Thực tế không phải vậy. Nhiều công ty nộp đơn xin bảo hộ phá sản để tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh.

Nhiều công ty bán lẻ sẽ sử dụng quá trình tái cấu trúc để phá vỡ hợp đồng thuê mà không bị phạt nhằm thu gọn danh mục đầu tư bất động sản của họ.

Khi các cửa hàng này đóng cửa, các chủ trung tâm mua sắm và trung tâm thương mại đang chịu áp lực tìm khách thuê mới. Ngành bất động sản bán lẻ cũng đang phải vật lộn với những tác động của đại dịch: ngày càng ít tiền thuê hơn, hàng nghìn cửa hàng phải đóng cửa và số lượng công ty muốn mở địa điểm mới cũng ít hơn.

Nói một cách đơn giản, việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản là một cách để các công ty gặp khó khăn cắt giảm tài sản không sinh lời và gánh nặng nợ nần, trong khi đội ngũ quản lý của họ vẫn kiểm soát hoạt động kinh doanh.

Khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến các nhà bán lẻ Mỹ thắt chặt tài chính, cắt giảm những hạng mục không cần thiết và không đem lại hiệu quả cao đối với doanh thu.

Trong giai đoạn dịch bệnh bùng nổ, các lệnh giãn cách được thực thi, người dân chủ yếu lựa chọn việc mua hàng trực tuyến thay vì đến trực tiếp các cửa hàng. Điều này đã dẫn tới tình hình kinh doanh ngày càng ế ẩm tại các trung tâm thương mại và buộc các công ty cần phải đóng cửa hàng, trả mặt bằng.

Có thể nói trong giai đoạn dịch bệnh như hiện tại, thị trường bất động sản thương mại vẫn đang “chơi vơi” chưa tìm ra lối thoát khi mọi hoạt động kinh doanh đều bị ngưng trệ và dừng hoạt động.

Tuy vậy, Giám đốc điều hành Tập đoàn bán lẻ Neiman Marcus, Geoffroy van Raemdonck cho biết mặc dù sự gián đoạn kinh doanh chưa từng có do Covid-19 gây ra đã đặt ra nhiều thách thức, “nhưng nó cũng cho chúng tôi cơ hội để hình dung lại nền tảng và cải thiện hoạt động kinh doanh của mình.”

Dưới góc nhìn của các chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản thương mại đang phải trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn.

Chủ đề: Bất động sản Mỹ,
Diệu Linh (theo CNBC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.