Đó không phải là truyện dân gian ngày xửa ngày xưa nữa mà đang xảy ra tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh ở thế kỉ XXI này. Chính quyền thị xã một mực lảng tránh, còn người mua phải “vịt giời” thì 10 năm ròng cầm sổ đỏ đi đòi đất mà chưa xong.
10 năm cầm sổ đỏ đi đòi đất
Đơn của bà Đặng Thị Hồng trình bày: Tháng 9/2004, UBND huyện Yên Hưng (cũ) tổ chức bán đấu giá đất ở lâu dài thuộc quy hoạch khu dân cư phía Bắc cầu Sông Chanh (thường gọi là đầm Tài Thời), địa phận xã Yên Giang (cũ), nay là phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên. Bà Hồng thực hiện đầy đủ các quy định của Hội đồng đấu giá, mua được ô đất số 01, diện tích 240m2 trị giá 276.898.200 đồng, trong đó có 79.920.000 đồng tiền công san gạt mặt bằng, được cấp GCNQSDĐ do ông Đỗ Văn Nghi, lúc đó làm Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Hưng kí ngày 30/9/2004. Với quyển sổ đỏ ấy, bà Hồng yên tâm có đất, xây nhà, nhưng đến nay UBND huyện Yên Hưng, Hội đồng đấu giá huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) vẫn chưa giao đất cho bà Hồng theo luật định.
Bà Hồng trình bày tiếp trong đơn: “Chờ lâu, không thấy UBND huyện (nay là UBND thị xã) giao mặt bằng ô đất đó cho tôi xây dựng nhà, tôi đã gửi nhiều lần đơn lên thị xã… Đến nay đã trải qua 10 năm, trên dưới 30 lần tôi và gia đình được các cán bộ đại diện cho UBND thị xã Quảng Yên, UBND phường Quảng Yên hứa bằng văn bản và bằng miệng là bằng mọi cách sẽ sớm giải quyết giao mặt bằng cho tôi. Nhưng sự chờ đợi đó đã khiến người dân như tôi không còn tin những lời hứa đó của các cán bộ”.
Bà Hồng cũng bức xúc thẳng thắn cho rằng mình bị lừa: “Nhiều khi tôi cứ suy nghĩ căng thẳng về miếng đất mà mình đã bao năm tích cóp mồ hôi công sức vay mượn tiền, vàng do anh chị em trong gia đình giúp đỡ, bây giờ như bị lừa mua đất trên không”.
Một lô đất mang tên 4 chủ
Tại khu đất thuộc sở hữu trên giấy của bà Hồng, một bên là hàng quán, bên kia là ngôi nhà cao tầng, phía sau có vườn cây xanh tốt. Chủ nhân của căn nhà kiên cố là ông Đặng Văn Lăng cho biết, hiện gia đình ông làm sổ đỏ xây nhà trên miếng đất trước kia, giờ còn chừa lại 2m chiều ngang được cho là đất của bà Đặng Thị Hồng. Phần đất 2 mét đó giáp với mảnh đất mà ông Cao Văn Thành đang sở hữu.
Đất của ông Thành đang ở lại có thêm 3 chủ khác cùng chia sẻ quyền sở hữu đất trên… giấy, đó là bà Đặng Thị Hồng, bà Trần Phượng Trân cùng mua đất theo hình thức đấu giá. Và “còn có thêm phần đất của ông Vũ Văn Tỉnh, là hàng xóm đã cắt cho con, không hiểu vì lí do gì cũng rơi vào đất của tôi” – ông Thành bức xúc. Chồng chéo và phức tạp hơn nữa là phần đất của bà Trân lại vừa nằm trên đất của ông Thành, một phần lại nằm trên đất của ông Tỉnh. Bà Trân, nguyên quán Hưng Yên, hiện đang sống ở nước ngoài chưa về đòi được đất. Bà Hồng thì đã chuyển lên Hà Nội. Vì quá mệt mỏi với 10 năm đi đòi đất, giờ bà phải ủy quyền cho anh chị em trong gia đình đi kiện.
Ông Thành chia sẻ: “Tôi rất thông cảm với bà Hồng và bà Trân, nhưng rõ ràng đây là đất thuộc sở hữu của tôi. Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm. Các vị cứ hình dung, một ngày có hai người cầm sổ đỏ đến nhà bảo các vị chuyển đi, đất này họ đã mua rồi xem có bức xúc không?”. Theo ông Thành, ông không nhận được bất kì thông báo nào, cũng không có quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng hay phương án hỗ trợ nào trước khi có 2 người mang sổ đỏ đến nhà ông đòi lấy đất.
Ai cũng thông cảm cho sự bức xúc của ông Thành, móng nhà được xây từ lâu nay bị đình chỉ xây dựng vì chưa được cấp sổ đỏ. Chủ nhân cũng đành mang chuối lên móng nhà mà trồng để kiếm quả ăn. Nhà cũ ở bên trong thì lụp xụp, nhưng chưa thể phá đi. Nếu chỉ nghe ông Thành kể về việc đất chồng lên đất, người ngoài cuộc cũng hoa mắt chóng mặt, chẳng biết cán bộ địa chính khéo tưởng tượng thế nào khi vẽ sơ đồ thửa đất?
Ông Cao Văn Thành có đất mà không được cấp phép xây dựng, phải bỏ lửng móng nhà.
Ông Thành bảo: “Đấy, đất của gia đình tôi sử dụng hợp pháp từ tháng 6/1991, đã đăng kí trên sổ địa chính trước ngày 15/10/1993 theo Luật Đất đai hiện hành”. Theo bản chứng nhận và biên bản kiểm kê của UBND thị trấn Quảng Yên (nay là phường Quảng Yên), ngày 28/10/2008, đất của ông Thành nằm trên thửa số 187 tờ bản đồ P10, thuộc địa phận xã Yên Giang (nay là phường Quảng Yên) có diện tích 1.030m2 do ông Thành mua thanh lí của HTX Vôi Tiến Thắng. Ông Thành nộp thuế trước bạ năm 1994 và sử dụng ổn định cho đến nay. “Việc không xác định nguồn gốc đất một cách rõ ràng, không lập bản đồ hiện trạng trước khi bán đấu giá, không đo đạc kiểm kê mà đã quy hoạch bán đấu giá mặt bằng chưa “sạch” cho các hộ khác là xâm hại quyền sử dụng đất hợp pháp của tôi”.
Không bằng lòng với cách giải quyết của UBND huyện Yên Hưng (nay là UBND thị xã Quảng Yên), ông Thành nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng, gửi lên cả Chủ tịch UBND tỉnh. Trong khi Văn phòng UBND tỉnh đã có ý kiến phản hồi thì “UBND huyện Yên Hưng, sau này là UBND thị xã Quảng Yên không ra quyết định giải quyết khiếu nại cho tôi theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, sửa đổi bổ sung năm 2005″ – ông Thành băn khoăn.
Cò cưa đến bao giờ?
Ngày 30/3/2009, UBND huyện Yên Hưng ban hành Quyết định số 431/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án quy hoạch dân cư đầm Tài Thời, thị trấn Quảng Yên. Hơn 3 năm sau, với lí do “phương án bồi thường giải phóng mặt bằng chưa lập đúng trình tự”, ngày 17/7/2012, UBND thị xã Quảng Yên ra Quyết định số 2956/QĐ-UBND hủy Quyết định số 431/QĐ-UBND của UBND huyện Yên Hưng.
Tại biên bản làm việc ngày 15/1/2013 giữa UBND phường Quảng Yên và gia đình bà Đặng Thị Hồng, UBND phường xác định: “Không có quỹ đất giao cho bà Đặng Thị Hồng tại thực địa” và “Việc giao đất cho bà Hồng là hết sức khó khăn vì người dân bị thu hồi đất chưa đồng thuận”. Trong phiếu ghi nội dung cuộc tiếp công dân do ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND thị xã kí ngày 2/12/2013 ghi rõ: “UBND thị xã đã giao phường Quảng Yên chủ trì phối hợp với các cơ quan xem xét, giải quyết. Đến nay, phường Quảng Yên đã làm xong quy trình về nguồn gốc đất. Trong tháng 12/2013, UBND thị xã giao các cơ quan thực hiện việc giải phóng mặt bằng theo quy định”. Nhưng đến nay, sau hơn nửa năm, công việc này vẫn chưa được thực hiện.
Ông Đặng Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên thừa nhận cái sai của chính quyền huyện Yên Hưng. Ông Hải đề xuất 3 phương án giải quyết: Trước tiên là cưỡng chế giải phóng mặt bằng; thứ hai là tìm miếng đất khác phù hợp với quy hoạch để trả cho bà Hồng và thứ ba là bồi hoàn số tiền đã mua đất cộng thêm tiền lãi, được tính theo lãi suất ngân hàng. Ông Hải khẳng định, 10 năm trước ông không phải là Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá như nội dung đơn thư bà Hồng đã viết và khu vực đang tranh chấp này các hộ vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Theo người nhà bà Hồng, ông Hải lúc đó là Chánh Thanh tra huyện Yên Hưng, làm Chủ tịch Hội đồng đấu giá. Trên thực tế, ông Lăng đã được cấp sổ đỏ do chính ông Hải đã kí ngày 24/1/2013. Về thời gian giải quyết, ông Hải khẳng định sẽ làm xong trong năm 2014, không để kéo dài sang 2015, có thể thực hiện dứt điểm ngay trong quý III năm nay. Trước lời hứa này, bà Hồng và những người thân, bảo nhau: “Thôi đã chờ 10 năm, thì cố chờ thêm vài tháng nữa. Hi vọng sang năm có đất để làm nhà. Không phải đợi thêm 10 năm nữa gặp người kế nhiệm của ông Đặng Tiến Hải để đòi đất”….
*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm CafeLand
-
Giám đốc phân lô bán hàng nghìn nền đất “ma" ở Phú Quốc
Công an Phú Quốc đã bắt giữ nhóm người phân lô, bán nền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
-
Bỏ 17 tỉ đồng mua nhà, nhưng khi nhận bàn giao chỉ biết “chết lặng”
Cách đây 2 năm, một người phụ nữ tên Zhang tại Trung Quốc đã chi 5 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỉ đồng) để mua một căn nhà ở Định Kiều, Hàng Châu. Tuy nhiên, cô đã “chết lặng” khi căn nhà quá khác xa quảng cáo....
-
Bất động sản và những cú lừa ngoạn mục
Thị trường bất động sản (BĐS) được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Nhưng mặt trái của thị trường này là sự phức tạp, tính rủi ro cao và là miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ, trục lợi. Nhiều người chạy theo cơn sốt của thị trường BĐS, nhưng do...