CafeLand - Cư dân mua nhà, đã có sổ hồng trong tay nhưng vẫn không được vào nhà. Ban quản lý thay vì mở cửa, mở điện nước để cư dân vào thi công nội thất thì lại cho xịt keo vào ổ khóa nhà cư dân, khóa luôn cầu thang thoát kiểm.

Câu chuyện tưởng như đùa này đang xảy ra tại chung cư Phú Hoàng Anh, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Bốn năm chưa được vào nhà mình

Tại buổi hội thảo “Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?”, bà Nguyễn Thị Châm (77 tuổi, Hà Nội) cho biết, bà được con trai mua cho ba căn hộ tại chung cư Phú Hoàng Anh để dưỡng già. Cả ba căn hộ đều đã sổ hồng, bà Châm được chủ đầu tư bàn giao nhà và chìa khóa sau khi hoàn tất các khoản phí, lệ phí.

Thế nhưng bà Châm không thể vào nhà để làm nội thất vì ban quản trị cho rằng đây là nhà cộng đồng cư dân. Khi bà Châm xuống văn phòng ban quản lý chung cư yêu cầu mở nước để tiến hành thi công nội thất thì nơi đây trả lời sẽ xin ý kiến của ban quản trị.

Thay vì mở cửa, mở điện nước thì ban quản trị đã yêu cầu ban quản lý cho xịt keo vào ổ khóa nhà, đồng thời khóa luôn cả hai đầu cầu thang bộ thoát hiểm. Thậm chí, ban quản trị còn cho lột bỏ nút ấn thang máy lên tầng 2, khiến bà Châm không vào nhà của mình được từ đó cho tới nay.

Bà Nguyễn Thị Châm, người có mua nhà, có trong tay sổ đỏ nhưng không được vào nhà

Theo lời bà Châm, từ năm 2017 đến nay, UBND xã Phước Kiển và UBND huyện Nhà Bè đã nhiều lần triệu tập ban quản trị, đề nghị trả nhà cho bà nhưng ban quản trị nhất quyết không trả.

“Nhà tôi có sổ hồng, đầy đủ giấy tờ, có giấy ủy quyền của con tôi. Nhưng ban quản trị lại nói rằng đó là nhà cộng đồng, giấy tờ nhà của tôi là giấy tờ giả. Tôi mang giấy tờ đi khắp nơi, các cơ quan đều xác nhận giấy tờ của tôi là thật. Vậy thì ban quản trị có quyền gì mà khóa nhà của tôi”, bà Châm bật khóc.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng Quản lý Nhà và Công sở (Sở Xây dựng TP.HCM), cho rằng trong trường hợp của bà Nguyễn Thị Châm, người có trách nhiệm bàn giao căn hộ cho bà là chủ đầu tư, không ai có quyền ngăn cản bà tiếp nhận và sử dụng tài sản hợp pháp của mình.

Trưởng phòng Đô thị UBND huyện Nhà Bè, ông Hà Văn Tân, cho biết mâu thuẫn lớn nhất tại chung cư Phú Hoàng Anh là vấn đề quản lý tài chính không công khai, minh bạch và không đảm bảo quyền lợi của cư dân, các quyền lợi đi kèm.

Về trường hợp của bà Châm, phía UBND huyện đã tiếp cận từ cuối 2017, tiếp tục xử lý trong 2018-2019 và đã mời các bên ngồi lại với nhau, đồng thời có văn bản yêu cầu ban quản trị chung cư nhanh chóng giải quyết. Tuy nhiên, phía ban quản trị cho biết họ chưa có căn cứ pháp lý về phê duyệt dự án nên vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn.

Mới đây, UBND huyện Nhà Bè đã báo cáo toàn bộ sự việc lên UBND thành phố và hướng dẫn bà Châm nếu không đạt được mong muốn thì tìm đến tòa án để giải quyết.

Cư dân phải hiểu quyền của mình

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng cư dân trong các chung cư trước hết phải hiểu quyền của mình để tự bảo vệ mình.

Trước đây, quy định hội nghị nhà chung cư lần đầu phải có 75% cư dân nay sửa lại 50% và nếu tổ chức một lần không thành thì phường đứng ra tổ chức là hợp lý. Cư dân khi bức xúc có căn cứ pháp luật có thể gửi lên phường, không cần lấy ý kiến 50% nữa. Khi đó phường có thể tổ chức hội nghị bất thường.

Ông Châu cũng lưu ý khi bầu thành viên ban quản trị, cư dân cần bầu người có năng lực, có cơ chế giám sát để tránh nhưng sai trái trong hoạt động của ban quản trị.

Chung cư Phú Hoàng Anh, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Nhiều năm tham gia việc quản lý, vận hành nhà chung cư, ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Global Home, cho rằng cần xem xét lại Thông tư 06. Không phải khuyến khích ban quản trị phải học lớp quản lý vận hành nhà chung cư mà bắt buộc ban quản trị phải qua đào tạo, phải có chứng chỉ quản lý vận hành nhà chung cư dành cho ban quản trị.

Về quỹ bảo trì, khi chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư khách hàng thanh toán tiền qua ngân hàng thì sẽ mở thêm một chuyên mục là quỹ bảo trì. Đến giai đoạn cuối cùng khách hàng chuyển 2% vào quỹ bảo trì, quỹ này được phong tỏa.

Sau khi có quyết định công nhận ban quản trị thì chủ đầu tư mới làm thủ tục chuyển giao số tiền đó cho ban quản trị trên hình thức giấy tờ chứ không phải “tiền tươi” để tránh trục lợi số tiền lớn từ quỹ bảo trì.

Ông Thành cũng đề nghị, khi chuyển đổi quỹ bảo trì từ ngân hàng do chủ đầu tư lựa chọn sang một ngân hàng khác phải thông qua hội nghị nhà chung cư.

Ngoài ra, hoạt động thu chi của ban quản trị bắt buộc phải chuyển khoản. Những khoản thu chi nhỏ có thể tạm ứng của đơn vị quản lý vận hành, sau đó chuyển khoản thanh toán. Như vậy, dù qua bao nhiêu ban quản trị thì cư dân chỉ cần xem sao kê ngân hàng là biết được thu/chi.

Cuồi cùng, ông Thành cũng lưu ý việc tuyên truyền về kiến thức pháp luật về nhà chung cư cho cộng đồng cư dân và ban quản trị và chính quyền địa phương để hỗ trợ giải quyết kịp thời khúc mắc cho người dân.

  • “Thượng đế” cũng mệt mỏi với ban quản trị

    “Thượng đế” cũng mệt mỏi với ban quản trị

    CafeLand - Lúc mua nhà khách hàng được gọi là “thượng đế”. Đến khi dọn vào ở thì mỹ từ ấy không còn, thậm chí có nơi cư dân phải mệt mỏi với những xung đột không chỉ với chủ đầu tư mà còn với cả ban quản trị.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.