Có thể cảm nhận thị trường nhà đất Hà Nội vẫn đang sốt (trừ mảng khách sạn, chung cư, biệt thự đang chững lại) khi tại bộ phận giải quyết về hồ sơ nhà đất ở các quận, các văn phòng công chứng… tình trạng quá tải đã diễn ra hơn một tháng qua.
Ông Nguyễn Thế Mợi, cán bộ bộ phận “một cửa, một dấu” tại UBND quận Đống Đa tỏ ra mệt mỏi: “Cách đây khoảng hai tháng, trung bình một ngày có 30 – 40 người đăng ký làm các thủ tục cấp sổ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Thế mà trong khoảng mấy tuần nay, buổi nào cũng có số người đăng ký tới 60 – 70 người. Chúng tôi phục vụ không kịp, cho dù buổi chiều, phải ở lại làm thêm tới 6 – 7 giờ tối”.
Phải dậy từ 4 giờ sáng...
Ở một số quận, huyện, nơi mới đây có nhiều thông tin về mở rộng đường sá, cơ sở hạ tầng theo quy hoạch Hà Nội (đang lấy ý kiến Quốc hội), các kế hoạch sử dụng đất mới công bố… như Long Biên, Hà Đông… sức nóng của cơn sốt đất có thể trông thấy hàng ngày. Nhân viên bộ phận làm hồ sơ nhà đất ở các quận này cho biết, nhiều người dân đến chầu chực tại cổng từ 4 – 5 giờ sáng.
Trần Hương Thanh, cho biết vừa đi tìm mua nhà. Hầu hết các căn nhà trước đây Thanh dạm hỏi mua và chủ đã đồng ý thì nay, khi hỏi lại, họ đã đều nâng giá bán lên. “Có nhà, cách đây hai tuần tôi đã thoả thuận với chủ nhà và chỉ cần đặt cọc là coi như thành công nhưng chỉ chậm vài ngày để vay thêm tiền, khi quay lại họ đòi thêm 200 triệu đồng. Có cái nhà tôi vừa đồng ý mua lúc sáng thì chiều gọi lại, họ bảo, có người nhanh hơn chị đến đặt tiền và chúng tôi đang đếm tiền đây này”, Thanh nói.
Hầu hết các dạng nhà đang được giao dịch nhanh chóng là dạng nhà mới xây, nhà cấp 4… Do tình trạng sốt nhà đất đã có dấu hiệu từ cuối năm 2009, các dạng nhà xây, sửa để bán được bung ra rất nhiều.
Nếu đi một vòng tìm nhà từ các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Ba Đình… nhất là ở các khu vực còn nhiều đất trống như Kim Giang, Khương Trung, Khương Đình… xa trung tâm một chút, có giá đất còn rẻ thì có thể thấy, có đến hàng ngàn ngôi nhà mới từ 4 – 5 tầng với kiến trúc, kết cấu khá giống nhau và giá tiền không chênh lệch quá nhiều.
Lướt sóng nhà đất
Mua các căn nhà mới xây sẵn, người mua sẽ gặp phải rất nhiều rủi ro. Những căn nhà xây để bán thời sốt đất thường được xây dựng rất nhanh, chủ nhà thường tiết kiệm vật tư: ximăng, thép…, đầu tư ít cho móng, các đường ống dẫn nước trong nhà sử dụng loại rẻ tiền nhất. Do đó, nguy cơ nhà sớm bị hư hỏng, xuống cấp là rõ ràng. Khá nhiều căn nhà liền kề nhau, nếu để ý kỹ thì đó là những căn nhà do chủ mua cả một khoảnh đất rộng rồi xây lên, chung dầm, chung móng… rồi bán cho ai thì mới đi tách sổ.
Một dạng khác là các chủ xây dựng mua lại những miếng đất đã có sẵn nhà nhưng chỉ có tầng một hoặc hai tầng… và nhanh chóng bắt tay vào sửa chữa, cải tạo, xây thêm tầng (không cần biết nhà cũ kết cấu móng chịu lực được bao nhiêu), sơn bả… lắp đặt thêm nhiều đồ nội thất cho bắt mắt, thậm chí lắp cả rèm cửa, điều hoà, bếp gas… Họ quảng cáo với khách mua là nhà xây để ở, đang ở nhưng có nhu cầu cần tiền gấp. Người mua sẽ rơi bẫy nếu không cẩn thận xem xét.
Hùng, nhân viên một công ty máy tính trên Lý Nam Đế, Hà Nội cho biết: “Tôi cũng vừa mua phải một cái nhà, trông rất đẹp, nội thất thì quả thực hoàn hảo nhưng về ở một tháng đã thấy sợ, phải chuyển đi vì mới mưa một trận đã thấy tường ngấm loang lổ, nhiều chỗ đã nứt rạn mà lúc mua, mình có nhìn thấy đâu? Đường nước thì không biết vỡ đoạn nào, một tháng trả tới hơn 900.000 đồng tiền nước”.
Cho nên, một số người đã rút ra kinh nghiệm khi mua loại nhà xây để bán là: xem kỹ sổ đỏ, phải gặp được chính chủ mới mua để biết diện tích thực tế xây dựng, tự tay đo diện tích nhà, kiểm tra kỹ các đường ống dẫn nước, tường (có thể lấy tay gõ mạnh), sàn nhà (dùng gót chân trần dậm mạnh để thử độ rung, độ chắc), nhìn sâu vào các đường ống để xem đó là đường ống mới hay cũ và kiểm tra đường thoát…
Trong cơn sốt đất, những người tìm mua đất, mua nhà để xây, bán kiếm lãi hàng trăm triệu đến trên 1 tỉ đồng/ căn nhà đã khá phổ biến. Cũng có nhiều người khác không xây nhưng mua lại các căn nhà này hoặc nhà cũ và nhanh chóng quảng cáo, bán lại cho người khác kiếm lời. Họ gọi là “lướt sóng nhà đất”, chỉ cần đạt mức lợi nhuận 200 – 300 triệu đồng/vụ là đủ.
Cafeland.vn - (Theo SGTT)