Dùng CPI hoặc chỉ số giá xây dựng làm đơn vị tham chiếu giá bán bất động sản có thể hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp. Song khách hàng lo ngại, nếu công trình chậm tiến độ thì thiệt thòi sẽ đẩy về phía người mua.

Mới đây Công ty cổ phần Đô thị và Phát triển Việt Hưng dự kiến sẽ điều chỉnh giá nhà đất theo chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) do Tổng cục thống kê công bố. Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình, đơn vị bị "tuýt còi" vì bán nhà bằng đô la cũng cho biết, đang áp dụng giá bán nhà theo chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng công bố hằng quý. CPI cả nước do Tổng cục thống kê công bố gồm 11 nhóm hàng bao gồm nhà ở, vật liệu xây dựng, dịch vụ ăn uống, thuốc lá, may mặc, giao thông... Còn chỉ số giá của Bộ Xây dựng phản ánh biến động của giá công trình xây dựng theo thời gian.

Ông Bùi Tiến Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng, cho rằng lấy CPI cả nước để áp cho giá cả đất đai ở thủ đô là hợp lý. Nguyên nhân là công ty ông nhập nguyên liệu từ nhiều nơi, đội ngũ công nhân, nhà thầu cũng từ khắp cả nước mà không chỉ tập trung riêng ở Hà Nội. "Ngoài ra, việc sử dụng chỉ số giá chung của cả nước sẽ có lợi hơn cho khách hàng do chỉ số giá ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thường cao hơn CPI cả nước", ông Hùng nói.


Một số doanh nghiệp đang rậm rịch bán nhà theo CPI hoặc chỉ số giá xây dựng. Ảnh: Hoàng Hà.

Về việc lấy 11 nhóm hàng hóa thay vì chỉ lấy nhóm vật liệu xây dựng trong rổ hàng hóa, ông Hùng lý giải, trong cơ cấu giá của một dự án xây dựng, chi phí từ các nguyên vật liệu xây dựng chỉ chiếm một phần. Còn lại là chi phí quảng cáo, bán hàng, lãi suất ngân hàng nên việc lấy chỉ số giá tiêu dùng của cả nước có thể phản ánh mức trượt giá chung của các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp.

Còn ông Lương Văn Phú, Giám đốc kiêm Trưởng ban dự án Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình (chủ đầu tư dự án Hattoco) lại cho rằng, chỉ nên lấy nhóm nhà ở vật liệu xây dựng làm đơn vị tham chiếu. Bởi giá cả công trình tăng cao chủ yếu do nguyên vật liệu như sắt, thép, gạch, xi măng biến động. Vị giám đốc cho rằng, khi áp dụng chỉ số giá xây dựng, doanh nghiệp sẽ không phải tính chi phí dự phòng, (chiếm khoảng 10% giá trị căn hộ) mà tính trực tiếp vào đơn giá để hạn chế rủi ro.

Chị Nguyễn Thị Thu, một khách hàng tại dự án Hattoco cho hay, khi dùng chỉ số giá xây dựng làm đơn vị quy đổi, giá trị của căn hộ sẽ tăng lên khoảng 5,26% thay vì 9,3% khi dùng đôla tham chiếu. Theo chị Thu, mức tăng này có thể chấp nhận được trong tình trạng trượt giá như hiện nay nhưng chị Thu cho rằng, chủ đầu tư phải cam kết thực hiện đúng tiến độ công trình hoặc đưa ra chế độ thưởng phạt rõ ràng khi chậm tiến độ. "Nếu giá cả càng leo thang, công trình chậm tiến độ thì khách hàng sẽ càng phải chịu nhiều thiệt thòi", chị Thu chia sẻ.

Trước cơn bão giá đang gia tăng, doanh nghiệp đã phải dùng các đơn vị tham chiếu khác nhau như chỉ số giá tiêu dùng của cả nước và chỉ số giá xây dựng để bảo hiểm rủi ro. Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sông Đà Thăng Long cho rằng, tìm lời giải cho bài toán bão giá trong doanh nghiệp địa ốc không đơn giản. Mỗi doanh nghiệp đầu tư từng phân khúc khác nhau sẽ có cách nhìn khác nhau.

Ông Việt phân tích, đối với dự án chung cư, liền kề, biệt thự thì công trình sẽ chịu sức ép trước giá cả nguyên vật liệu tăng cao. Đất nền thì ngược lại, không bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu như sắt, thép, xi măng. Do vậy, mỗi doanh nghiệp bán các sản phẩm khác nhau sẽ sẽ có cách ứng phó riêng. "Trong trường hợp coi bất động sản là một loại hàng hóa thì nên lấy chỉ số giá tiêu dùng của cả nước để áp dụng chung cho thống nhất", ông Việt nói.

Vị lãnh đạo cấp cao này cho rằng, doanh nghiệp có lý khi sử dụng CPI làm đơn vị quy đổi. Bởi mua bán nhà theo vàng thì cả khách hàng và chủ đầu tư sẽ phải nhiều phen thót tim vì giá cả lên xuống thất thường. Dùng đôla làm đơn vị tham chiếu sẽ vướng Pháp lệnh Ngoại hối. Trong tình cảnh giá cả tăng cao, cả khách hàng và doanh nghiệp nên có chung một điểm nhìn để chia sẻ khó khăn. "Dù bất cứ phương án nào cũng khó 'mười phân vẹn mười, không tỳ vết. Điều quan trọng là dung hòa được lợi ích của cả bên bán và mua", ông Việt chia sẻ.

Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land lo ngại, trước tình hình giá cả tăng cao như hiện nay CPI hay chỉ số giá xây dựng đều biến động. Giá bất động sản đã quá cao, nay lại tăng giá thì khách hàng sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Do đó, dù là dùng đơn vị nào để tham chiếu, điều quan trọng nhất vẫn là kiềm chế được lạm phát. "Chỉ khi kiềm chế được lạm phát, giá cả hạ xuống, địa ốc mới có thể hạ nhiệt và dùng chỉ số giá xây dựng hay CPI của cả nước thì khách hàng không phải băn khoăn", ông Hà nói.

tag: ban nha theo cpi, chi so gia xay dung, bat dong san, do thi,...

Cafeland.vn - Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland