20/11/2023 2:55 PM
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh này sớm xây dựng quy hoạch, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có đất hiếm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu ngày 19/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thủy điện, khai khoáng và thương mại, xuất nhập khẩu, kinh tế cửa khẩu.

Đây là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, gồm cả vật liệu xây dựng, kim loại, khoáng chất công nghiệp, trong đó có đất hiếm và nước khoáng. Toàn tỉnh Lai Châu có 169 mỏ, điểm quặng hoặc khoáng hóa.

Thời gian qua, Việt Nam đang đẩy nhanh tìm kiếm công nghệ, mở rộng khai thác đất hiếm với mục tiêu đến năm 2030 đạt hơn 2 triệu tấn quặng mỗi năm. Trong đó, Lai Châu cùng Lào Cai là 2 tỉnh trọng điểm đẩy mạnh khai thác đất hiếm.

Lai Châu có mỏ đất hiếm Đông Pao lớn nhất Việt Nam với diện tích 132 ha, tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn. Ngoài ra còn mỏ Bắc Nậm Xe và Nam Nậm Xe.

Theo Tỉnh ủy Lai Châu, thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức do tình hình chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Cụ thể, GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 47,2 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2020.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 38,03%, dịch vụ chiếm 40,14%, nông nghiệp chiếm 15,16%.

Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, cây trồng có lợi thế và giá trị gia tăng cao.

Du lịch phát triển khá, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khách du lịch tăng bình quân 33%/năm.

Về công nghiệp, lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho biết đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư dự án khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe với tổng công suất thiết kế khai thác 400.000 - 600.000 tấn/năm quặng đất hiếm nguyên khai.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lai Châu quy hoạch và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có đất hiếm.

Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, phần lớn đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, tuabin điện gió, máy bay, điện thoại và công nghiệp quốc phòng.

Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc 44 triệu tấn.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.