03/11/2023 4:24 PM
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với 10 loại khoáng sản, trong đó có đất hiếm ở Yên Bái và Lào Cai.

Phê duyệt 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1277/QĐ-TTg phê duyệt 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, với 10 loại khoáng sản.

Cụ thể, gồm: quặng bô xít (23 khu vực), đá hoa trắng (17 khu vực), cát trắng (15 khu vực); quặng titan và quặng sắt - laterit (14 khu vực), quặng cromit (3 khu vực); quặng đất hiếm, than năng lượng, quặng apatit (2 khu vực), quặng chì - kẽm (1 khu vực).

Trong đó, đất hiếm (đất hiếm vỏ phong hóa) được phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm: Cam Cọn - Tân Thượng, diện tích 18,9km2, có 285.000 tấn dự trữ (huyện Bảo Yên và Văn Bàn, Lào Cai) và Đồng Tâm, diện tích 29,4km2, có 160.000 tấn dự trữ (huyện Văn Yên, Yên Bái).

Theo quyết định số 1277, đất hiếm ở Cam Cọn - Tân Thượng và Đồng Tâm đều có thời gian dự trữ 30 năm.

Đất hiếm ở Lào Cai, Yên Bái được phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Trong thời gian dự trữ của các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện các dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải tuân thủ quy định của nghị định số 51 năm 2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, quy định của pháp luật về khoáng sản.

Đối với các giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trước ngày ban hành quyết định này, mà không thuộc khoáng sản dự trữ (nêu trên) thì tiếp tục thực hiện.

Các khu vực có khoáng sản không thuộc loại khoáng sản dự trữ đã được đưa vào quy hoạch khoáng sản liên quan mà chưa cấp phép thăm dò, khai thác (hoặc chưa đưa vào quy hoạch) thì được quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định của pháp luật về khoáng sản, nhưng không được ảnh hưởng đến khoáng sản đã khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan công khai các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao hồ sơ khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để quản lý, bảo vệ theo quy định.

Dự tính khai thác 2 triệu tấn đất hiếm mỗi năm

Đất hiếm là tài nguyên quý làm nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, quang điện, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế, công nghệ bán dẫn… Do đất hiếm nằm rải rác với số lượng ít tại nhiều nơi dẫn đến việc khai thác, tinh chế khó khăn, tốn kém nên đây là nguồn tài nguyên quý, có giá trị cao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ước tính trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam có khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc 44 triệu tấn. Một số quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn khác: Brazil có khoảng hơn 21 triệu tấn, Nga có khoảng 21 triệu tấn, Ấn Độ có khoảng gần 7 triệu tấn…

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7 vừa qua, dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.

Cụ thể, 2 mỏ được tập trung đầu tư khai thác là mỏ Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái) và mỏ Đông Pao (huyện Tam Đường, Lai Châu).

Tiếp đó, mục tiêu đến 2030 sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu. Thăm dò, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự kiến, năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái.

Giai đoạn từ 2031-2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1 đến 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.

Trong thời gian này, sẽ duy trì hoạt động của các dự án đã đi vào khai thác; đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

  • Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới

    Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới

    ​​​​​​​Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới. Đây là một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn, cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp cao của Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.