Từ không tranh chấp thành tranh chấp
Trong đơn thư gửi cơ quan chức năng, ông Lê Tấn Thạch, ở thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) trình bày: Thửa đất số 46, tờ bản đồ số 20 (đo vẽ năm 2016), diện tích hơn 127,4m2, loại đất trồng cây lâu năm do ông nội ông là Lê Dự tạo lập từ trước năm 1954 để lại cho cha ông là Lê Tấn Trình; đến năm 1983, cha ông để lại cho ông quản lý, sử dụng. Thửa đất sau khi làm đường bê tông còn rộng từ 4,6 - 7m, dài 21m. Trên thửa đất có các bụi tre do ông nội ông và cha ông trồng. Hằng năm, ông vẫn bán tre và măng cho người dân trong và ngoài xã. Việc gia đình ông quản lý, sử dụng từ trước đến nay không ai có ý kiến gì.
Ông Lê Tấn Thạch, ở thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) cho rằng, bụi tre và phần đất của gia đình, nhưng hiện nay đang bị tranh chấp.
Tuy nhiên, năm 2020, khi ông Thạch kê khai, đăng ký cấp sổ đỏ, thì mới biết thửa đất này của gia đình ông đã được cấp có thẩm quyền đưa vào thửa đất số 1441, tờ bản đồ số 2 (đo vẽ năm 1997), diện tích 1.541m2 cấp sổ đỏ cho gia đình ông Phan Tấn Dương, người cùng thôn vào năm 1999. Điều đáng nói là, thửa đất số 46, diện tích hơn 127,4m2, gia đình ông Thạch không đưa vào hợp tác xã, còn thửa đất số 1441 đưa vào hợp tác xã. Chính việc cấp sổ đỏ thửa đất 1441 bao trùm cả thứa đất 46 khiến hai bên gia đình tranh chấp, khiếu kiện.
Qua trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi, các nhân chứng sống lâu năm ở địa phương đều cho rằng, gia đình ông Thạch quản lý, sử dụng phần đất này từ trước năm 1975 để trồng tre. Ông Lê Văn Lương, người có nhà gần thửa đất của ông Thạch cho biết: Khi tôi về đây ở đã thấy ông Lê Trấn Trình - cha ông Thạch quản lý bờ tre này. Phía ngoài bờ tre có mương nước rộng hơn 1m ngăn cách thửa đất của ông Dương với ông Trình. Trước đây, mỗi khi sửa chữa nhà cửa tôi đều xin hoặc mua tre của ông Trình. Khi nghe nói thửa đất có tranh chấp khiến chúng tôi khá ngạc nhiên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp xã Tịnh An, giai đoạn 1988 - 2004 xác nhận: "Năm 1982, khi đang là Đội trưởng Đội sản xuất thôn Tân Mỹ, tôi đã thấy gia đình ông Thạch quản lý thửa đất có trồng tre nói trên. Thửa đất này gia đình ông Thạch không đưa vào hợp tác xã nên không phân chia đất cho ai, mà gia đình ông Thạch tiếp tục quản lý, sử dụng".
Chính quyền không biết đất ở đâu (!?)
Theo ông Bùi Cao Hóa - cán bộ địa chính xã Tịnh An, căn cứ theo bản đồ 299 và Nghị định 64 thì phần đất gia đình ông Thạch và ông Dương thuộc thửa đất số 1441. Do đó, khi ông Thạch có đơn đề nghị cấp sổ đỏ, xã đã phê vào đơn là nguyên thửa đất trước đây của ông Phan Tấn Dương và ông Phan Dần để lại, đất đang tranh chấp. Mặt khác, theo Chỉ thị 299 thì thửa đất số 1441 do ông Phan Tùng (bà con của ông Dương) kê khai, còn theo Nghị định 64 thì ông Phan Tấn Dương kê khai, đăng ký trong sổ mục kê. Việc cấp sổ đỏ cho gia đình ông Phan Tấn Dương là cấp trong đợt cấp sổ đại trà năm 1999. “Để giải quyết dứt điểm vụ việc, xã đã hướng dẫn hai gia đình khởi kiện ra Tòa án. Khi Tòa án tuyên đất của ai thì bên đó quản lý, sử dụng”, ông Hóa nói.
Tại Công văn số 3061, ngày 19.6.2020 của UBND TP.Quảng Ngãi về việc trả lời đơn của ông Lê Tấn Thạch thì cho rằng, thửa đất số 1441, diện tích 1.541m2, nhưng chỉ cấp sổ đỏ cho ông Dương 1.241m2 (giảm 300m2), vì thời điểm đó xã Tịnh An dự tính mở đường, mương và trừ cây cối rậm rạp. Mặc dù nói trừ 300m2 để mở đường, nhưng xã Tịnh An không xác định được phần đất dự kiến quy hoạch giao thông này nằm ở vị trí nào của thửa đất số 1441. Việc cấp sổ đỏ thửa trên cho gia đình ông Dương cũng không có hồ sơ lưu trữ. UBND xã Tịnh An không xác định được vị trí khi UBND huyện Sơn Tịnh (khi xã Tịnh An chưa thuộc TP.Quảng Ngãi) cấp sổ đỏ cho ông Dương có phần diện tích đất 127m2 hiện nay ông Thạch đang sử dụng hay không.
Bà Nguyễn Thị Ba - vợ ông Dương cho biết: Bờ tre hiện đang tranh chấp vốn là hàng rào tre của gia đình chồng tôi rào bảo vệ đám đất và do để lâu nên tre phát triển như hiện nay. Sợ rễ tre ăn sang đất, gia đình tôi thuê người đào con mương. Lúc trước cha mẹ ông Thạch xin vài cây tre làm giàn bầu, bí thì mẹ chồng tôi cho rồi họ chiếm luôn cho đến nay...
Trong khi đó, ông Lê Tấn Thạch đặt câu hỏi: "Thửa đất của tôi cấp sổ đỏ cho ông Dương từ năm 1999, nhưng ông Dương không biết mình được cấp phần đất này, chứng tỏ phần đất này không phải của ông Dương. Theo Thông tư 364/1998/TT-TCĐC, ngày 16.3.1998 của Tổng cục Địa chính, việc xét cấp sổ đỏ cho ông Dương có cả phần đất của gia đình tôi là sai đối tượng. Vì thời điểm cấp đất, ông Dương không phải là người đang quản lý, sử dụng đất và chưa từng sử dụng phần đất này. Do đó, căn cứ vào đâu mà UBND TP.Quảng Ngãi cho rằng việc cấp sổ đỏ cho ông Dương là đúng đối tượng và hợp pháp?".
-
Nhiều khu dân cư, đô thị bỏ hoang ở Quảng Ngãi
Vướng cơ chế đất công, hết hạn bố trí vốn đầu tư, doanh nghiệp yếu kém năng lực tài chính khiến nhiều khu dân cư, đô thị ở Quảng Ngãi bỏ hoang kéo dài.
-
Cam kết cung cấp 6 triệu tấn thép làm đường sắt cao tốc 350km/h, “vua thép” sẽ sản xuất tại Dung Quất 2 hay ở đâu?
Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định sẽ cam kết cung cấp 6 triệu tấn thép các loại chất lượng cao với mức giá cạnh tranh hơn hàng nhập khẩu....
-
Quy định mới của tỉnh Quảng Ngãi về các địa điểm, vị trí ngoài đô thị phải phát triển nhà ở theo dự án
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Quyết định số 54/2024/QĐ-UBND quy định địa điểm, vị trí ngoài đô thị phải phát triển nhà ở theo dự án và tiêu chí đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trong việc đầu tư, xây dựng và phát triển nhà ở xã hội ...
-
Lập dự án xây dựng bảng giá đất lần đầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phát đi Công văn số 5961/UBND-KTTH về việc lập dự án xây dựng bảng giá đất lần đầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026.