25/10/2024 10:00 PM
Quốc gia này trước đó đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt thép dây có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam.

Malaysia cam kết hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để thiết lập cơ chế liên chính phủ (G2G) nhằm nâng cao năng lực quản lý và chia sẻ công nghệ sản xuất thép.

Tại Hội nghị Liên đoàn Công nghiệp Sắt thép Malaysia (MISIF) lần thứ 14, Thứ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp (MITI) Liew Chin Tong cho hay, nước này đang nghiên cứu, đánh giá về những thách thức của ngành thép và khả năng hợp tác với Trung Quốc.

Ông Liew đồng thời nhận định rằng Malaysia cần phải sớm hoàn thiện cơ cấu quản lý đối với ngành này khi đang có nhiều cơ quan chuyên môn quản lý ngành thép như Hội đồng Thép Malaysia (MSC), Viện Thép Malaysia (MSI).

Malaysia muốn hợp tác với Trung Quốc để phát triển ngành thép

Lãnh đạo MITI cho rằng, ngành công nghiệp thép đang phải đối mặt với hai thách thức lớn là dư thừa công suất và mục tiêu chuyển đổi xanh của đất nước.

Đối với tình trạng dư thừa công suất, MITI khuyến khích các doanh nghiệp cần phải vừa nâng cao năng suất, vừa tìm kiếm đầu ra để giúp ngành thép phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành thép cũng cần phải lưu ý đến lượng khí thải phát sinh.

Thứ trưởng MITI đồng thời nhấn mạnh, nếu toàn bộ công suất của ngành thép đi vào hoạt động, lượng khí thải phát sinh sẽ tương đương với sáu nhà máy nhiệt điện sử dụng than. Điều này đang đặt ra thách thức đối với Malaysia trong việc hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Malaysia cần có cơ chế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của ngành sản xuất sắt thép. Hiện nước này đang nghiên cứu áp dụng thuế carbon đối với ngành công nghiệp. Khoản tài chính này sẽ được sử dụng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của ngành sản xuất, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất sắt thép.

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa nhận được thông tin về việc ngày 10/10/2024, MITI ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt thép dây (steel wire rods) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam.

Vụ việc được khởi xướng trên cơ sở hồ sơ đề nghị của ngành sản xuất nội địa, đại diện là Công ty Thép Southern Steel Berhad.

Sản phẩm bị điều tra là thép dây thuộc mã HS và AHTN: 7231.91.10.00; 7213.91.20.00; 7213.91.90.00; 7227.90.90.00.

Thời kỳ điều tra: Bán phá giá: 1/3/202-29/2/2024; Thiệt hại: 1/3/2021-28/2/2022; 1/3/2022-28/2/2023 và thời kỳ điều tra bán phá giá.

Trong báo cáo mới đây, Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự đoán mức tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ giảm năm thứ tư liên tiếp trong năm 2024, xuống còn 869 triệu tấn. Trong khi nhu cầu của các nước khác trên thế giới tăng 1,2%, đạt 882 triệu tấn.

Các số liệu cho thấy sự kết thúc của thời kỳ bùng nổ cơ sở hạ tầng và bất động sản kéo dài hàng thập kỷ ở Trung Quốc đang làm giảm tiêu thụ thép trong nước. Tuy nhiên, chúng cũng lý giải một phần nguyên nhân khiến lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong năm nay, đạt mức cao nhất kể từ năm 2016 đó là nhu cầu thép gia tăng ở các quốc gia khác.

Worldsteel cho biết, thị trường Ấn Độ sẽ tăng trưởng 8% trong năm 2024, sau khi tăng 14% vào năm 2023, đạt 143 triệu tấn. Trong khi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong năm thứ hai liên tiếp.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.