05/10/2022 1:03 PM
Mới đây, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) phát đi thông báo cho biết, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm tiền gửi cho khách hàng, đặc biệt phục vụ nhu cầu gửi tiền với mức gửi chỉ từ 10 triệu đồng, Ngân hàng ra mắt sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 8,4%/năm. Đây là mức lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất trên thị trường hiện tại.

Ảnh minh hoạ.

Theo đó, Viet Capital Bank cho biết, khách hàng chỉ cần gửi từ 10 triệu đồng là có thể tham gia sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với nhiều kỳ hạn linh hoạt. Chứng chỉ tiền gửi Bản Việt được triển khai theo hai hình thức nhận lãi cuối kỳ và lãi hàng tháng.

Cụ thể với lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được nhận được lãi suất 7,5%/năm – 7,8%/năm – 8%/năm – 8,2%/năm tương ứng với các kỳ hạn 6 – 9 – 12 – 15 tháng.

Đặc biệt với kỳ hạn 18 tháng, mức lãi suất nhận được là 8,4%/năm.

Lãi suất trên được cố định trong suốt thời gian gửi. Chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi sau 6 tháng có thể tự do chuyển nhượng dưới nhiều hình thức, bất cứ lúc nào và vẫn được hưởng mức lãi suất cạnh tranh so với hình thức gửi tiết kiệm thông thường cùng kỳ hạn và khoản tiền gửi.

Sau khi kết thúc kỳ hạn chứng chỉ tiền gửi, trong trường hợp khách hàng cá nhân không đến thanh toán vào ngày đáo hạn, Ngân hàng Bản Việt sẽ hỗ trợ khách hàng chủ động chuyển khoản tiền gốc (trường hợp lãi không nhập gốc) hoặc gốc và lãi (trường hợp khách hàng chọn lãi nhập gốc) sang sản phẩm tiền gửi Tiết kiệm thông thường (với kỳ hạn và hình thức trả lãi theo lựa chọn ban đầu của Chứng chỉ tiền gửi) với lãi suất do ngân hàng Bản Việt công bố tại thời điểm đáo hạn.

Trong bối cảnh tín dụng eo hẹp, nhu cầu tăng cao, cuộc đua lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại trên thị trường càng ngày càng sôi động. Lãi suất các sản phẩm tiền gửi cao nhất trên thị trường đã lên đến 8,4%/năm như đã nói ở trên. Thậm chí, có ngân hàng đang có mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho kỳ hạn 13 tháng cao nhất lên tới 8,8%/năm nhưng với số tiền gửi rất lớn.

Cụ thể, hiện ABBank đang có mức lãi suất cao nhất lên tới 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng nhưng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 1607 về tăng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hàng loạt ngân hàng thương mại tư nhân đã tăng mạnh lãi suất ở những kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.

Cụ thể, tại Ngân hàng ACB, lãi suất tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn 1 tháng đối với khoản tiền gửi tiết kiệm dưới 100 triệu đồng, tăng từ 3,95% lên 4,2%; từ 100 triệu – dưới 500 triệu đồng, lãi suất tăng thêm 0,3% lên 4,3%; lãi suất tăng thêm 0,4% lên 4,4% đối với khoản tiền gửi trên 500 triệu đồng.

Tại kỳ hạn 2 tháng, lãi tiền gửi online của ACB cũng tăng thêm 0,3-0,5% lên 4,3-4,5%. Kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,4-0,6% lên 4,4-4,6%. Kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng vẫn giữ nguyên, trong khi kỳ hạn 1 năm tăng thêm 0,4% lên 6,4-6,6%

Trong khi đó, biểu lãi suất tiền gửi áp dụng cho khách hàng cá nhân từ ngày 23/9 của Ngân hàng SCB đã được điều chỉnh tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Trong đó, lãi tiền gửi không kỳ hạn tăng từ 0,2%/năm lên mức kịch trần 0,5%/năm cho phép. Lãi tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng trước đó được SCB trả lãi suất ở mức 4%/năm, thì hiện cũng tăng lên 4,9%/năm với kỳ hạn 1 tháng và tăng lên mức kịch trần 5%/năm với kỳ hạn 2-5 tháng.

Tương tự, kể từ 23/9, Ngân hàng cũng SHB áp dụng biểu lãi suất mới với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 5 tháng đều tăng 0,8 – 0,9% so với trước, dao động trong khoảng 4,4 – 4,8%/năm.

Từ 23/9 đến nay, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng như Eximbank, Vietcapital Bank, BacABank, VPBank, Kienlongbank,...

Ngay sau đó, ba ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động thêm 1%.

Cụ thể, Vietcombank tăng lãi suất thêm 1%, lên 4,1-4,4%/năm đối với tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1-3 tháng. Với kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng, ngân hàng này tăng lãi suất lần lượt 0,8%/năm lên 6,4%/năm và 1%, lên 6,4%/năm.

Với hình thức gửi tiền trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,6%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4,9%/năm, cao hơn hình thức 1,2-1,3% cũ. Đối với kỳ hạn 12 và 24 tháng, hình thức trực tuyến có lãi suất tăng thêm 1%, cao nhất là 6,8%.

Agribank cũng điều chỉnh mạnh với lãi suất kỳ hạn cao nhất là 4,4%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng tăng lên 6,4%/năm và tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 0,3%/năm.

Một “ông lớn” khác là VietinBank cũng tham gia cuộc đua lãi suất huy động. Lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng của ngân hàng này vừa được điều chỉnh tăng 1%, lên 4,1%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 3 - 6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Với kỳ hạn trên 12 tháng, VietinBank tăng 0,8% so với mức lãi suất trước, lên 6,4%/năm.

Trong báo cáo triển vọng nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra cũng đánh giá rằng, nếu bám sát vào kịch bản Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023, lãi suất điều hành có thể tăng thêm từ 0,5-1 điểm % trong năm sau, về lại mức trước đại dịch.

Quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trước hết sẽ đẩy trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân và thực tế nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước sẽ dần nâng lãi suất từ cuối tháng 9 cũng như đầu tháng 10.

Việc mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế tăng lên đã diễn ra từ trước, quyết định nâng lãi suất điều hành là một hành động theo sau, hàm ý rằng không thể đối phó với áp lực bên ngoài nếu không tăng lãi suất điều hành. Nhưng tác động lan truyền đến lãi suất cho vay, theo VDSC, đã diễn ra từ trước đó, chỉ có điều sắp tới lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh hơn giai đoạn vừa rồi.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã trở về bằng thời điểm đại dịch mới diễn ra là tháng 3/2020. Các chuyên gia phân tích VDSC cho rằng, mức lãi suất như vậy khá an toàn với diễn biến lạm phát tại Việt Nam, hiện lạm phát bình quân kỳ vọng cho cả năm 2022 và 2023 lần lượt là 4 và 4,5%.

  • Tăng lãi suất tác động đến nền kinh tế như thế nào?

    Tăng lãi suất tác động đến nền kinh tế như thế nào?

    Trong báo cáo đánh giá tác động tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng việc tăng lãi suất điều hành là động thái thể hiện quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc đối phó với diễn biến gia tăng của lạm phát đồng thời làm giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD trong thời gian tới.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.