Dự án Khu công nghiệp An Nhựt Tân (huyện Tân Trụ) triển khai từ năm 2006, bị dân thưa kiện suốt 8 năm đã trở lại vạch xuất phát khi những quyết định trái pháp luật do chính quyền ban hành đều bị tòa tuyên hủy. Đã có 170 phiên tòa diễn ra và dân đã thắng kiện, nhưng vẫn còn hàng chục phiên tòa sẽ phải tiếp tục để giải quyết hậu quả do chính quyền gây ra...

Huyện toàn thua

Ngày 8.9, TAND huyện Tân Trụ đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ bà Trần Thị Chờ (ngụ xã An Nhựt Tân) khiếu kiện quyết định hành chính số 3562/QĐ-UBND do UBND huyện Tân Trụ ban hành ngày 14.6.2013. Nội dung của quyết định này được huyện ban hành nhằm “sửa sai” một quyết định khác cũng do huyện ban hành vào năm 2008. Tuy nhiên, quyết định nhằm “sửa sai” cũng là một quyết định... trái luật nên bị tòa tuyên hủy.

Theo hồ sơ, năm 2006, Cty thép Long An được UBND tỉnh Long An cho chủ trương lấy 120ha đất lúa để thành lập KCN An Nhựt Tân (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ). Trong khi chưa ai nhận được quyết định thu hồi đất thì toàn bộ giấy tờ của dân bị chính quyền cấp huyện thu hồi. Lãnh đạo huyện yêu cầu người dân phải tháo dỡ nhà cửa để giao đất cho nhà đầu tư, dù việc thực hiện tái định cư vẫn chưa xong. Thậm chí, dù buộc dân phải nhận đền bù từ năm 2007 nhưng tới năm 2008, tỉnh mới có tờ trình xin Thủ tướng thành lập KCN.

Bà Trần Thị Chờ (bìa phải) thắng kiện UBND huyện Tân Trụ

Người dân khiếu nại vì giữa năm 2007, Cty thép Long An chỉ bồi thường cho dân với giá từ 40.000-60.000 đồng/m2 đất, bằng 20% giá thị trường. Sau khi bồi thường xong, hơn 1 năm sau, nhà đầu tư mới có phương án tái định cư. Bức xúc, 82 hộ dân xã An Nhựt Tân kiện ra tòa (82 vụ riêng lẻ) về các quyết định hành chính của UBND huyện Tân Trụ (chủ yếu do Chủ tịch huyện là ông Nguyễn Ngọc Dãy ký) liên quan đến việc đền bù, giải tỏa, tái định cư do các quyết định này ban hành không đúng trình tự thủ tục, gây thiệt hại cho họ. Trong các phiên sơ thẩm do TAND huyện xét xử, 82 hộ dân đều... thua.

Đến 82 phiên xét xử phúc thẩm, đại diện UBND huyện đã... thua đủ 82 vụ. Thời điểm người dân thắng kiện (cuối năm 2011), chưa có ai nhận được quyết định thu hồi đất của chính quyền nên người dân không thể khởi kiện nội dung này.

Lấy sai sửa sai

Trong những lần đối thoại với người dân An Nhựt Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã phải nhiều lần dùng từ “gian dối” để nói về dự án này. Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận, chính quyền địa phương đã có sai sót, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, yêu cầu chính quyền địa phương cũng như nhà đầu tư phải khắc phục các sai sót do họ gây ra.

Tuy nhiên, UBND huyện Tân Trụ tiếp tục ban hành nhiều văn bản trái luật khác nhằm “chữa cháy” cho những cái sai đã bị tòa xử thua. Cụ thể, trong tháng 8.2014, UBND huyện yêu cầu 82 hộ dân phải nhận “quyết định thu hồi đất (lần 2)” mà huyện ban hành từ năm 2008. Thực chất, văn bản này chỉ nhằm chứng minh rằng huyện đã có ban hành “quyết định thu hồi đất lần 1”. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, các quyết định chỉ ban hành một lần chứ không thể có “lần 2”. Thực tế, không một người dân nào nhận được quyết định “lần 1” nên quyết định lần 2 là gian dối. Ngoài ra, liên quan đến các khoản tiền bồi thường vật kiến trúc công trình, bố trí nền tái định cư, thời hiệu khiếu nại trong các văn bản được ban hành..., huyện đều áp dụng không đúng.

Chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Trà Thanh Tấn - cho rằng, Quyết định 3562/QĐ-UBND do UBND huyện Tân Trụ ban hành ngày 14.6.2013 “về việc bồi thường, hỗ trợ giá trị chênh lệch năm 2008 so với năm 2007 do thực hiện dự án KCN An Nhựt Tân” đối với bà Trần Thị Chờ là không có căn cứ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của bà Chờ. HĐXX tuyên bà Chờ thắng kiện.

Liên quan đến dự án này, tất cả các hộ dân khác khởi kiện UBND huyện sẽ lần lượt được xét xử. Như vậy, sau khoảng 170 phiên tòa đã diễn ra trước đó (dân toàn thắng), còn hàng chục phiên tòa sẽ phải tiếp tục diễn ra để hủy các quyết định trái pháp luật của huyện.

Hữu Danh (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.