Theo thống kê của Forbes, tính đến ngày 16/5 (theo giờ Việt Nam), giá trị tài sản ròng của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) là 2,6 tỷ USD, xếp thứ 1.323 thế giới và thứ 3 trong top 6 tỷ phú USD Việt Nam. Như vậy, sau gần 2 năm kể từ thời điểm tài sản mất mốc 1 tỷ USD, Chủ tịch Hòa Phát đã có thêm 1,6 tỷ USD.
Đà phục hồi của cổ phiếu HPG trong thời gian gần đây đã giúp giá trị tài sản của ông Trần Đình Long tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng.
Với biên độ tăng 3,3% trong phiên giao dịch 16/5, cổ phiếu HPG của Hòa Phát đã tăng lên mức 31.600 đồng/cổ phiếu, giá đóng cửa cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua.
Vốn hóa thị trường tương ứng đạt 183.700 tỷ đồng, tăng gần 55.000 tỷ đồng so với thời điểm một năm trước. Với mức vốn hóa này, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Nếu tính cả các doanh nghiệp, tập đoàn vốn Nhà nước, hiện vốn hóa của Hòa Phát xếp thứ 3 trên sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), sau Vietcombank (trên 517.000 tỷ đồng) và BIDV (282.000 tỷ đồng). Còn tính trên toàn thị trường chứng khoán, vốn hóa của nhà sản xuất thép này hiện thấp hơn 4 doanh nghiệp có vốn Nhà nước là Vietcombank, BIDV, Viettel Global và ACV.
Cổ phiếu HPG tăng lên vùng cao nhất 2 năm giúp Hòa Phát trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán Việt
Đồng thời, giá trị tài sản của ông Trần Đình Long cũng cải thiện mạnh theo đà tăng của cổ phiếu HPG. Hiện ông Long vẫn là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát với hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG nắm giữ, tương đương 26,08% vốn. Kết phiên ngày 16/5, lượng cổ phiếu HPG của ông Long có trị giá trên 47.700 tỷ đồng.
Ngày 25/5 tới đây, Hòa Phát sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ phát hành thêm hơn 580 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10%, tức cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu HPG sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới.
Nguồn phát hành được lấy từ thặng dư vốn cổ phần hơn 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2.600 tỷ đồng.
Sau phát hành, vốn điều lệ của Hòa Phát sẽ tăng lên gần 64.000 tỷ đồng, tương ứng gần 6,4 tỷ cổ phiếu HPG lưu hành trên thị trường.
Về kết quả kinh doanh, lãnh đạo Hòa Phát cho biết sản lượng bán hàng cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 4/2024, tập đoàn sản xuất được 738.000 tấn thép thô, giảm nhẹ so với tháng trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 805.000 tấn, tăng 16% so với tháng 3/2024 và tăng 76% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là sản lượng bán hàng cao nhất của nhà sản xuất này kể từ tháng 3/2022.
Doanh nghiệp này cho biết, sản lượng bán hàng thép xây dựng tăng đáng kể so với tháng sau tết Nguyên đán nhờ nhu cầu xây dựng dân dụng và dự án đầu tư công có tín hiệu tăng trở lại. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho ở các đại lý, nhà phân phối đã xuống thấp trong tháng 4/2024, thúc đẩy các đơn vị phân phối thép nhập thêm hàng phục vụ thị trường.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, nhà sản xuất thép này đã cung cấp ra thị trường 2,65 triệu tấn thép xây dựng, phôi thép, thép cuộn chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo (rút dây, làm đinh ốc vít, tanh lốp ô tô, thép dự ứng lực…).
Nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiên, Hòa Phát ghi nhận doanh thu quý 1/2024 đạt 31.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế ở mức 2.800 tỷ đồng, tăng hơn 7 lần.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 đạt tiến độ hơn 50% khối lượng công việc
Bên cạnh các nhà máy đang hoạt động, hiện doanh nghiệp này đang đẩy mạnh tiến độ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với quy mô 5,6 triệu tấn Thép cuộn cán nóng/năm.
Dự án này từng được ông Trần Đình Long ví von là “quả đấm thép” với tổng mức đầu tư lên tới 85.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1.
Trong quý đầu năm nay, Hòa Phát đã rót thêm gần 4.250 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư lũy kế đã giải ngân tại dự án này lên 26.800 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm tháng 4/2024, dự án này đã đạt trên 50% toàn bộ các hạng mục chính. Hạng mục nhà máy luyện gang, nhà máy luyện thép, nhà máy cán thép HRC đã thành hình, hoàn thành khoảng 50-70% về kết cấu.
Ước tính, khi chạy tối đa công suất, dự án Dung Quất 2 sẽ đóng góp vào khoảng 80.000-100.000 tỷ đồng doanh thu Hòa Phát và đóng góp 50-60% biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này. Ngoài ra, dự án sẽ tạo thêm việc làm cho trên 8.000 lao động, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ của Việt Nam.
-
Từng là người giàu nhất sàn chứng khoán, tỷ phú Trần Đình Long hiện có bao nhiêu tiền?
Với đà giảm của cổ phiếu HPG trong những phiên giao dịch gần đây, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát - người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt đã bị “thổi bay” hơn 3.700 tỷ đồng, xuống còn 38.893 tỷ đồng.
-
Doanh nghiệp của vị tỷ phú vừa trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán đang kinh doanh ra sao?
Thị trường gần đây xôn xao thông tin ông Trần Đình Long trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi cổ phiếu HPG có chuỗi tăng tốt. Vậy tình hình kinh doanh của Hòa Phát hiện đang ra sao?
-
Bất ngờ với dự báo lợi nhuận của các đại gia ngành thép trong quý 4/2024
MBS cho rằng xuất khẩu thép sẽ gặp nhiều bất, tuy nhiên các doanh nghiệp thép sẽ tăng trưởng đáng kể, hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa tăng trưởng mạnh mẽ khi cuối năm là đợt cao điểm đẩy nhanh các dự án bất động sản và đầu tư công....
-
Hoa Sen chốt ngày họp ĐHĐCĐ, hé lộ kế hoạch mua lại cổ phiếu từ cổ đông
Một trong những nội dung dự kiến được HĐQT Tập đoàn Hoa Sen trình cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tới đây là kế hoạch mua lại cổ phiếu từ cổ đông hiện hữu.
-
Sắp đến Noel, một cổ phiếu thép dựng hình “cây thông” trên bảng điện tử
Cổ phiếu Công ty CP Vicasa - Vnsteel (Mã: VCA) tạo mô hình “cây thông” khi từng tăng sốc 107% lên mốc 17.600 đồng/cp trong phiên 12/12, nhưng ngay sau đó giảm sàn 4 phiên liên tiếp.