Thị trường diễn biến nguội lạnh khiến giấc mơ có một cái Tết ấm áp của môi giới bất động sản vụt tắt. Có người đành xa quê kiếm thêm thu nhập trái ngành trong dịp Tết, có người còn không dám ra đường vì phải nương nhờ gia đình những tháng vừa qua.

Thị trường nguội lạnh, môi giới bất động sản đón tết buồn (hình minh họa)

Tết xa quê

Trong khi nhiều người rụch rịch sắm sửa, đặt vé tàu xe chuẩn bị về quê ăn Tết thì một số môi giới bất động sản đã chuẩn bị tinh thần đón tết nơi phố thị vì không đủ điều kiện về nhà đón giao thừa cùng gia đình.

Anh Vinh (quê Nghệ An), một môi giới bất động sản cho biết đây là lần đầu tiên anh ăn Tết xa quê.

“Tôi sống ở Hà Nội, trước khi theo người họ hàng vào Nam làm môi giới đất nền. Hồi đầu năm kiếm được mấy giao dịch, tôi đã gửi tiền về cho bố mẹ sửa nhà trong đợt bão vừa qua. Hơn 5 tháng nay, tôi không có một giao dịch nào, chút tiền tiết kiệm cũng đã tiêu hết, giờ không đủ tiền mua vé về quê”, anh Vinh chia sẻ.

Thời điểm cuối tháng 10, anh Vinh định về quê nhưng được đồng nghiệp khuyên ở lại tìm việc làm tạm vì cuối năm nhu cầu mua bất động sản sẽ tăng cao, kiếm được một giao dịch sẽ có tiền tiêu Tết.

“2 tháng nay tôi làm tài xế công nghệ vì việc này linh động thời gian, lúc khách cần xem đất thì vẫn đi được. Nhưng nghề này một là cạnh tranh, hai là tôi chưa quen đường nên kiếm chỉ đủ sống chứ không dư dả được đồng nào. Tết này ở lại trực ở sân bay hay bến xe ít ra cũng kiếm được thêm ít đồng, ra Tết tính tiếp”, anh Vinh chia sẻ.

Nhiều môi giới lựa chọn làm tài xế công nghệ vì linh động thời gian (hình minh họa)

Trường hợp môi giới tên V. cũng không thể về đón Tết cùng gia đình, dù quê anh cách không xa TPHCM. Anh V. là môi giới tự do, giúp khách hàng bán hàng ký gửi. Thời điểm sốt đất, công việc của anh thuận lợi nên được nhiều người tin tưởng giao đất. Đến khi thị trường trầm lắng, nhiều chủ đất sốt ruột vì không thu hồi vốn kịp thời nên gây áp lực lên anh.

“Họ bảo tôi dụ họ mua đất xấu giờ không bán được nên nặng lời trách móc. Họ đe dọa nếu tôi không bán được đất cho họ thì không để tôi yên ổn làm việc. Ở quê gia đình cũng bị ảnh hưởng nên tôi phải lên thành phố lánh tạm một thời gian. Tôi ở đây tìm khách hàng cho họ, nhưng thi thoảng vẫn bị gọi gây áp lực”, anh V. chia sẻ.

Bản thân anh V. cũng đang phải gánh một khoản nợ không nhỏ vì đầu tư đất thua lỗ. Anh lên thành phố tìm một công việc khác ổn định hơn. Hiện anh đang làm nhân viên nhà hàng thời vụ và trông xe cho các cửa hàng thời trang dịp cận Tết để có tiền trả lãi vay giúp gia đình rồi sau đó mới tính đến phương án giúp khách bán đất.

Tết “lạnh lẽo” dù đã về nhà

Anh Cường (quê Đắk Lắk) đã rời TP.HCM từ giữa tháng 11 sau khi sàn giao dịch nơi anh làm việc cắt giảm nhân sự. Bản thân anh không có ý định về quê sớm vậy, nhưng do chi phí sống ở thành phố quá đắt đỏ nên đành phải nghỉ Tết sớm.

“Lúc còn tiền thì tôi chi tiêu hơi quá tay nên 4 tháng không chốt được giao dịch nào là tôi hết sạch. Tôi hay chi tiền cho các bữa liên hoan ăn uống để gây dựng mối quan hệ với khách hàng. Đến giờ quỹ cạn rồi, căn nhà thuê trên thành phố giá cao quá không kham nổi nên đành trả nhà về quê sớm”, anh Cường chia sẻ.

Tuy nhiên, việc về quê với môi giới này cũng không mấy thoải mái, vì năm nay anh trở về tay trắng.

“Năm ngoài ăn đậm, về quê mua quà cho người này người kia. Năm nay về không có đồng nào nên chỉ quanh quẩn trong nhà, không dám đi đâu, ai rủ đi ăn đi nhậu cũng nhờ gia đình từ chối khéo chứ cũng không dám ra mặt”, anh Cường cho biết.

Nhận thấy thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn trong thời gian tới, anh Cường quyết định sẽ hoãn kế hoạch quay lại thành phố làm môi giới mà sẽ ở quê để tìm công việc ổn định hơn. Bản thân anh cũng phải tìm phương án quản lý tài chính tốt để không phải phụ thuộc gia đình khi công việc không thuận lợi.

Anh Cường nằm trong nhóm đa số môi giới rời xa thị trường nhà đất vào thời điểm cuối năm 2022. Theo quan sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), ước lượng số lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm. Trước đó, vào thời điểm giữa năm, VARS ước tính có 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản.

Số lượng người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản giảm mạnh cuối năm 2022 (hình minh họa)

Bất động sản “giảm oxy để thở”

Chia sẻ tại một hội thảo gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch VARS, cho biết phần lớn môi giới mất việc do nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Các công ty còn hoạt động phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh thậm chí buộc phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm.

“Thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 60-70% lượng nhân sự, những người ở lại phải kiêm 2 đến 3 công trong khi mức lương bị cắt giảm”, ông Hà cho biết.

Việc tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng nên nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu.

“Thị trường ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch không phải do thực chất thị trường xấu mà do có quá nhiều điểm đã tạo ra sự cưỡng bức, buộc thị trường phải rơi vào trạng thái khó khăn. Nhìn chung, thị trường bất động sản đang trong trạng thái bình thường, nhưng bị bắt phải “giảm ăn, giảm oxy để thở và giảm bơm máu” nên rất dễ bị rơi vào tình trạng đột quỵ”, ông Hà ví von.

Ông Hà kỳ vọng thời gian tới thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên khi các chính sách điều chỉnh của cơ quan quản lý có hiệu lực. Các hoạt động sẽ dần ổn định, nguồn cung tương lai từ số lượng lớn các dự án, đặc biệt các dự án phù hợp với nhu cầu thực người dân như nhà ở giá rẻ, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội... được đưa vào thị trường. Lúc đó, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại, và những người theo nghề môi giới sẽ có khả năng vượt qua sóng dữ.

  • Môi giới rơi vào thế khó khi phục vụ khách “bắt đáy”

    Môi giới rơi vào thế khó khi phục vụ khách “bắt đáy”

    Cứ ngỡ “trong nguy có cơ”, nhiều môi giới bất động sản muốn tận dụng thời điểm thị trường khó khăn, cố gắng kết nối chủ đất “cắt lỗ” và khách hàng “bắt đáy”. Thế nhưng kết quả không như mong đợi, họ cay đắng nhận ra cơ hội thì ít mà cơ cực thì nhiều.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.