Các chủ đầu tư đang đối diện với áp lực tăng chi phí, trong đó thị trường bất ngờ ghi nhận trường hợp chủ đầu tư sẵn sàng giảm hoặc không thu tiền ký quỹ, tăng phí hoa hồng môi giới để thu hút đại lý và môi giới.

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI). Theo đơn vị này, hiện nay có chủ đầu tư chi trước chi phí marketing cho đại lý để thêm động lực làm nóng thị trường.

"Mức chi phí này dao động từ 1% - 3% tùy loại hình sản phẩm. Trước đây chỉ có chủ đầu tư nước ngoài chào chính sách này cho Đại lý tại Việt Nam, hiện nay đã có chủ đầu tư Việt Nam áp dụng chính sách này để thu hút đại lý", FERI cho biết.

Không chỉ vậy, từ năm 2023 chủ đầu tư buộc lòng tăng chi phí môi giới thêm từ 1,5-2 lần để hỗ trợ và thu hút đại lý tham gia bán hàng do chi phí đầu vào của đại lý tăng quá cao, thời gian chăm sóc khách hàng kéo dài gấp 3-4 lần. Ngoài ra còn có trường hợp chủ đầu tư thanh toán trước một phần phí môi giới ngay sau khi khách hàng đặt cọc, thay vì đợi đến khi hoàn thành đối chiếu giao dịch thành công.

Ảnh minh họa

FERI cho biết, nhiều chủ đầu tư cũng đã tăng phí môi giới thông qua việc thưởng nóng cho nhân viên kinh doanh. Chẳng hạn như tại một dự án ở Thuận An, Bình Dương, mức thưởng cho mỗi sản phẩm đã tăng từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng.

Một dự án khác tại TP Thủ Đức, TP.HCM, mức thưởng cũng tăng từ 5 triệu lên 15 triệu đồng. Cũng tại Thủ Đức, một dự án khác có mức thưởng cho mỗi sản phẩm lên tới 35-80 triệu đồng, trong khi con số này trước đây chỉ 50 triệu đồng.

Trong khi đó, có chủ đầu tư mở rộng điều kiện nhận thưởng đối với môi giới viên. Tại dự án ở Đồng Nai, nhân viên kinh doanh sẽ được thưởng 10-20 triệu đồng nếu như khách hàng thanh toán nhanh, bên cạnh mức thưởng giao dịch 10-20 triệu đồng/sản phẩm. Ngoài ra, môi giới viên có nhiều khách đặt giữ chỗ nhất sẽ được thưởng thêm 5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, để san sẻ khó khăn đối với các sàn giao dịch, hiện các chủ đầu tư cũng không còn yêu cầu đại lý ký quỹ hoặc chỉ ký quỹ ở mức tượng trưng để thể hiện thiện chí đôi bên. Trong bối cảnh nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa hàng loạt, môi giới viên liên tục bỏ nghề, nhiều chủ đầu tư có xu hướng chọn và giao nhiệm vụ bán hàng cho 1-2 đơn vị môi giới uy tín, có nguồn lực phù hợp để làm tổng đại lý phân phối dự án.

Theo số liệu trước đó của Bộ Xây dựng, trong quý 1/2023 có thêm khoảng 30%-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước, đồng thời ước lượng số Môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30% - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022.

“Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn”, Bộ Xây dựng cho biết.

Nhận định về thị trường bất động sản trong tháng 4, FERI cho biết tổng thể nguồn cung mới vẫn khan hiếm do vướng mắc pháp lý và thị trường dù một số chủ đầu tư đã giới thiệu dự án mới.

Trong khi đó, nhu cầu ở mức cao nhưng khách hàng vẫn trong trạng thái thăm dò và quan sát thêm thị trường. Lãi suất cho vay tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho việc ra quyết định từ người mua.

Đơn vị này dự báo, với bối cảnh hiện tại giá bán sơ cấp tiếp tục tăng 5-10% theo năm tại Hà Nội và TP.HCM, trong khi giá thứ cấp giảm trung bình 10-20%.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.