CafeLand – Ảnh hưởng của dịch cúm virus corona khiến cho công việc của nhiều môi giới bất động sản bị gián đoạn. Thậm chí nỗi lo thất nghiệp là có cơ sở khi nhiều khách hàng hiện giờ không còn tâm trí để ý đến bất động sản.

Dịch bệnh virus corona đang gây khó khăn cho thị trường bất động sản

Ám ảnh corona

Lan Anh, một môi giới bất động sản tại quận 9 chia sẻ, dù Tết đã qua được nửa tháng, nhưng công việc của cô vẫn chưa thể trở lại bình thường. Những năm trước, sau Tết là khoảng thời gian cô rất bận rộn khi phải liên tục gặp gỡ, chăm sóc khách hàng. Nhưng năm nay, dịch cúm virus corona dường như đang “đóng băng” toàn thị trường bất động sản ngay từ đầu năm 2020.

“Khách hàng bây giờ không còn tâm trí mà mua bất động sản nữa. Hẹn gặp lần nào cũng bị từ chối”, Lan Anh chia sẻ.

Anh Khoa, giám đốc của một công ty môi giới tại quận Thủ Đức, cho biết công ty đang phân phối một dự án đất nền tại trung tâm thành phố Nha Trang, nhưng từ đầu năm đến nay vẫn chưa thể tiến hành các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc với khách hàng.

Do ảnh hưởng của dịch cúm corana khiến lượng khách du lịch quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc sụt giảm mạnh đã làm giảm sức hấp dẫn của bất động sản tại các thị trường du lịch ven biển.

“Bây giờ ai cũng ngại virus corona nên việc tiếp xúc, gặp gỡ đông người là không thể. Tình hình khó khăn này có thể kéo dài đến giữa năm 2020”, anh Khoa dự báo.

Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh corana

Anh Xuân một nhà đầu tư than thở, trước tết anh có “ôm” 3 lô đất nền tại một dự án khu đô thị ở Cam Ranh với hi vọng sang năm mới thị trường khả quan hơn sẽ bán ra. Tuy nhiên, tình hình khó khăn hiện nay khiến anh không thể ra hàng.

Sống chung với bão

Theo anh Khoa, dịch cúm virus corona đã tạo ra cú sốc cho toàn thị trường bất động sản, trong đó có hoạt động của những người làm môi giới. Song, đây cũng chỉ là một khó khăn cộng hưởng thêm cho những tồn tại từ trước. Đó là sự khan hiếm nguồn cung, không có sản phẩm mới, những “cú lừa” trong giao dịch bất động sản trong năm 2019.

“Năm vừa rồi, môi giới đã rất khó khăn vì không có sản phẩm để bán. Niềm tin của khách hàng cũng sụt giảm sau nhiều vụ lừa đảo môi giới bị phanh phui. Giờ mới đầu năm lại dính thêm virus corona nữa khiến khó khăn càng chồng chất với môi giới”, anh Khoa nói.

Những năm trước đây, do thị trường bất động sản còn sôi động, nguồn cung dồi dào nên từ một nhân viên môi giới của công ty, Lan Anh đã tách ra để làm việc tự do. Tuy nhiên, những khó khăn trong năm gần đây, cũng như dấu hiệu tiêu cực từ dịch bệnh đang khiến cô phải thay đổi. Hiện tại, Lan Anh đang nộp hồ sơ để xin vào làm môi giới cho một công ty bất động sản ở quận 2.

“Hiện nay, thị trường khó khăn, xin vào lại công ty làm việc sẽ có lương, có nguồn hàng độc quyền để bán, có nhiều hỗ trợ hơn so với làm việc tự do”, Lan Anh chia sẻ.

Mặc dù vậy, cô cũng thừa nhận, với tình hình như hiện nay, không ít công ty môi giới đang phải đào thải nhân sự hàng loạt. Do đó, điều kiện tuyển dụng của các công ty sẽ cao hơn, tính cạnh tranh cũng khốc liệt.

Từng có nhiều năm môi giới đất nền khu vực phía đông TP.HCM và các tỉnh vùng ven, anh Khương đang cố gắng giảm phụ thuộc vào bất động sản.

Anh cho biết, từ vài năm trước khi thị trường bắt đầu có những dấu hiệu khó khăn, anh đã học thêm nghề marketing. Do đó, hiện nay anh chỉ làm môi giới bất động sản vào những dịp cuối tuần. Những ngày còn lại anh có công việc ổng định khi làm marketing cho một công ty bao bì ở quận 12.

“Mình không bỏ bất động sản. Nhưng hiện nay thị trường khó khăn thì phải linh hoạt để tồn tại. Sau này khi thị trường tốt hơn, có sóng thì mình sẽ quay lại ”, anh Khương nói.

  • Nhà đất bất động vì corona

    Nhà đất bất động vì corona

    CafeLand - Vừa khép lại năm 2019 với nhiều chật vật, thị trường bất động sản bước vào năm 2020 với kỳ vọng sẽ có những tiến triển tích cực hơn. Thế nhưng, virus corona đã tạo ra cú sốc ngay từ đầu năm, khiến nhiều người trong ngành dự báo đây sẽ lại là một năm khó khăn nữa của thị trường địa ốc.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.