Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 như cơn bão ập đến tạo nên một cuộc thanh lọc chưa từng có và như chia sẻ của một số thành viên thị trường địa ốc, trong khó khăn cực độ, những câu chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” lác đác diễn ra...

Covid khiến các doanh nghiệp cạn “của để dành”. Ảnh: Shutterstock

Nợ dây chuyền…

Cuối tuần qua, nhiều doanh nghiệp môi giới tại TP.HCM bức xúc phản ánh việc bị một chủ đầu tư “giam” tiền ký quỹ, tiền hoa hồng gần nửa năm qua, khiến cho họ không còn chi phí để duy trì hoạt động cũng như thanh toán lương thưởng cho nhân viên và bất đắc dĩ trở thành kẻ thất hứa với người lao động trong những ngày khó khăn vì giãn cách.

Trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc một doanh nghiệp môi giới cho biết, đầu năm 2021, chủ đầu tư một dự án đất nền ở Nhơn Trạch, Đồng Nai đưa sản phẩm ra thị trường. Thông qua một doanh nghiệp phân phối độc quyền, doanh nghiệp này phân bổ cho 15 sàn môi giới tham gia bán hàng, bao gồm 6 sàn F1 và 9 sàn F2. Theo đó, mỗi sàn F1 phải ký quỹ số tiền 500 triệu đồng để được phân phối 50 sản phẩm.

Sau hơn 6 tháng kể từ ngày ký quỹ và phân phối dự án, trải qua 2 đợt bán (đợt 1 bán khoảng 90% so với cam kết, đợt 2 chốt khoảng 60% so với cam kết), 15 sàn đã chốt thành công 160 sản phẩm với khoản chi phí bán hàng mà mỗi sàn bỏ ra không nhỏ, lên đến hàng tỷ đồng. Đến đầu tháng 6/2021, phía chủ đầu tư dự án chính thức thông báo khóa giỏ hàng và từ đó đến nay, 15 sàn với hơn 300 sales vẫn chưa nhận được đồng phí hoa hồng nào từ chủ đầu tư.

Lý do khiến chủ đầu tư dự án này “giam” tiền, theo các sàn môi giới là do chủ đầu tư giao kèo với công ty phân phối độc quyền phải bán được 90% trên chỉ tiêu được giao thì mới được nhận đủ phí. Từ khoản phí được nhận, công ty phân phối độc quyền sẽ trả xuống cho các sàn F1 và F2. Tuy nhiên, do Covid-19 gây tác động tiêu cực đến hoạt động bán hàng nên các sàn chỉ hoàn thành đủ chỉ tiêu đợt 1 là 90%, còn đợt 2 chỉ khoảng 60% và chủ đầu tư dựa vào giao kèo này để không trả phí môi giới.

“Tiền thưởng nóng cho nhân viên, hoa hồng và cả tiền ký quỹ đến nay vẫn bị chủ đầu tư ‘giam’ lại. Các sàn môi giới thì đòi doanh nghiệp phân phối độc quyền, doanh nghiệp phân phối độc quyền đổ lỗi chủ đầu tư không chịu trả”, vị giám đốc này bức xúc và cho rằng, trong giai đoạn này, đây là số tiền sống còn của nhiều sàn vì để có số tiền ký quỹ, họ phải vay mượn nhiều nơi, thậm chí có người còn phải vay nóng với mức lãi rất cao, nhưng giờ chưa biết khi nào mới được nhận lại.

Trên đây chỉ là trường hợp điển hình phản ánh tình cảnh diễn ra ở nhiều sàn môi giới bất động sản tại TP.HCM. Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, thực trạng phổ biến hiện nay là tình trạng nợ dây chuyền giữa chủ đầu tư, các sàn môi giới và nhân viên môi giới.

Ông T., giám đốc một công ty môi giới bất động sản than thở, doanh nghiệp môi giới trong giai đoạn hiện nay thực sự rối bời, đi phân phối từng sản phẩm, bán được nhưng không thu hoa hồng về được, trong khi lương, hoa hồng của nhân viên thì không thể nợ, “nên nhiều lúc phải xoay xở đủ kiểu để có tiền trả cho nhân viên”, ông bộc bạch.

Theo ông T., chuyện làng môi giới thì “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”, từ những năm trước đây, khi thị trường bất động sản phát triển mạnh, nhiều người đua nhau mở sàn bất động sản. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp môi giới dạng này đều có nguồn lực khá hạn chế, bởi nguồn thu chủ yếu từ hoa hồng, sau khi trừ đi các chi phí môi giới, tiền thuê mặt bằng, marketing, lương nhân viên… thì không còn lại được bao nhiêu. Trong khi đó, từ năm 2019 đến nay, các doanh nghiệp môi giới trải qua nhiều cú sốc, từ việc không có nguồn hàng do chính quyền siết chặt pháp lý, đến cú sốc lớn nhất là Covid-19 ập đến.

“Từ đầu năm 2020 đến nay, cứ mỗi lần dịch bệnh qua đi là một lần doanh nghiệp hy vọng sẽ phục hồi, nhưng cứ hy vọng rồi thất vọng, bao nhiêu vốn liếng trước đó lần lượt ‘đội nón’ ra đi theo từng đợt dịch”, ông H. giám đốc một doanh nghiệp địa ốc chia sẻ và cho biết, từ một doanh nghiệp môi giới với 150 nhân sự, 3 chi nhánh, đến giờ cả 3 chi nhánh đều đóng cửa trả mặt bằng, nhân sự đến nay chỉ còn 20 người cố gắng cầm cự.

Nương tựa “người khổng lồ”

Trao đổi với phóng viên, đại diện nhiều doanh nghiệp địa ốc dù cho rằng khó khăn do dịch bệnh chỉ có yếu tố thời điểm, còn về lâu dài, thị trường có rất nhiều cơ hội phát triển, nhưng “cái khó bó cái khôn”, làm thế nào để “sống được” đến lúc mọi việc trở lại bình thường là không hề dễ dàng. Theo ông H., thời gian qua, sở dĩ nhiều doanh nghiệp còn cầm cự được là nhờ vào nguồn vốn tích lũy những năm trước đó, nhưng đến đợt dịch lần thứ 4 này, nguồn lực của hầu hết doanh nghiệp đã cạn kiệt, nhiều công ty bị âm dòng tiền.

Được biết, để thoát khỏi khó khăn, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp môi giới đã chủ động tìm đến “đầu quân” cho các doanh nghiệp lớn để trở thành các sàn giao dịch trực thuộc các tập đoàn này. Chẳng hạn, theo tiết lộ của đại diện Tập đoàn Danh Khôi, thời gian qua, Tập đoàn đã “thu nạp” một số doanh nghiệp môi giới có đội quân bán hàng chuyên nghiệp lên đến hơn 1.500 nhân sự nhằm củng cố nguồn lực bán hàng sau khi dịch bệnh thoái trào.

Còn theo ông Lê Trọng Khương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, dù có ảnh hưởng, song dịch bệnh lại là cơ hội để doanh nghiệp làm được nhiều việc mà bình thường, công việc kinh doanh, phát triển dự án cứ cuốn đi. Theo tiết lộ của ông Khương, chỉ trong vài tháng của đợt dịch đầu, việc tái cấu trúc của Hưng Thịnh có hiệu quả bằng nỗ lực trong một thời gian dài trước đó.

“Đây là giai đoạn chúng tôi đẩy mạnh việc tái cấu trúc, rà soát, cơ cấu lại bộ máy tổ chức để đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn. Đối với bộ phận được bố trí làm việc online, Tập đoàn tạo điều kiện tốt về công nghệ thông tin để công việc hiệu quả, đảm bảo tiến độ”, ông Khương nói và nhấn mạnh, Covid-19 chỉ là khó khăn ngắn hạn, thậm chí đây là còn là giai đoạn để các doanh nghiệp đi đường dài tư duy các kế hoạch phát triển tối ưu. Đặc biệt, với Hưng Thịnh, việc tuyển dụng các nhân sự có chuyên môn, kinh nghiệm thời gian này dễ dàng hơn nhiều, khi không ít nhân sự không trụ nổi ở các đơn vị khác vì “sức không đủ nuôi quân”.

Bên cạnh Danh Khôi, Hưng Thịnh, mặc dù thời gian qua dịch bệnh kéo dài, song nhiều doanh nghiệp lớn khác vẫn không ngừng tuyển dụng nhân sự bán hàng như Tập đoàn Novaland, Nam Long... và theo nguồn tin của phóng viên, thời gian gần đây có khá nhiều nhân sự có tiếng trong lĩnh vực môi giới đã về “đầu quân” cho các doanh nghiệp này.

Theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time, trải qua gần 2 năm dịch bệnh, đến thời điểm hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp môi giới mở ra theo “trào lưu hớt sóng” đều đóng cửa hoặc đang “hấp hối”. Nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát trong một vài tháng tới, khả năng cơ hội cho một giai đoạn phát triển mới sẽ sớm đến, vấn đề là lúc đó ai còn đủ sức, đủ nguồn lực để nắm bắt cơ hội đó.

“Chúng ta đều biết, trên thị trường bất động sản, cứ sau mỗi lần khủng hoảng lại xuất hiện một lớp đại gia mới, đó là những người biết nắm bắt cơ hội và chuẩn bị đủ tiềm lực để chớp lấy cơ hội”, ông Tiến nhận xét.

  • Môi giới và khách hàng: Ai phải chăm sóc ai?

    Môi giới và khách hàng: Ai phải chăm sóc ai?

    CafeLand – Nhiều người đầu tư bất động sản luôn tự cho mình là “thượng đế” và buộc môi giới phải chăm sóc mình. Trong mắt họ môi giới chỉ giỏi “buôn nước bọt”, chỉ bỏ chút công sức là có thể kiếm được chục triệu thậm chí trăm triệu đồng mỗi giao dịch.

Tăng Triển (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch

    Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...

  • Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

    Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...

  • Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền

    Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.