Mặc dù 2 phiên gần đây giá vàng đã tăng trở lại nhưng tính chung 5 ngày qua, kể từ ngày 10-1 (thời điểm áp dụng mạng lưới kinh doanh vàng miếng mới), giá vàng miếng SJC vẫn tuột dốc khi để mất 1,2 triệu đồng/lượng. Sự sụt giảm mạnh của giá vàng trong nước lần này không bị ảnh hưởng nhiều từ giá vàng thế giới, vì sao?
Thu hẹp chênh lệch do... tâm lý
Theo các công ty vàng, giá vàng lao dốc khi tâm lý thị trường e ngại trước chỉ đạo của Chính phủ về việc bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá thế giới. Nghị quyết 01 của Chính phủ về những giải pháp điều hành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2013 cũng yêu cầu Ngân hàng (NH) Nhà nước phải bảo đảm giá vàng trong nước rút ngắn khoảng cách với thế giới. Chưa hết, theo Thanh tra Chính phủ trong cuộc họp báo mới đây, một trong những nhiệm vụ năm 2013 là tập trung vào việc thực hiện chính sách pháp luật QLTT vàng, sẽ thanh tra công tác QLTT vàng... Đây được xem là những thông tin tác động khá mạnh lên thị trường.
Giá vàng trong nước từ mức cao hơn giá thế giới lên đến 4,5-5 triệu đồng/lượng đã tuột dốc chỉ còn chênh lệch khoảng cách 2,5 triệu đồng/lượng vào cuối tuần qua. Người dân lo bán vàng vì sợ giá giảm sâu. Ngay cả giới kinh doanh, giới đầu cơ vàng cũng “giật mình” trước những thông tin trên nên bán vàng ra. Đại diện một công ty kinh doanh vàng tiết lô: Nguồn cung vàng sau ngày 10-1 trở nên khá dồi dào khi lực bán khá mạnh. Thêm nữa, hơn 8.000 doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng trước đây nay không đủ điều kiện hoạt động tiếp phải chuyển vào bán chui cũng mạnh tay bung nguồn vàng đã “ôm” trước đó ra thị trường.
Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), nguồn vàng tồn quỹ của một số NH thương mại từng được huy động vàng, giữ hộ vàng cũng được “mở” từ sau ngày 10-1, góp phần làm tăng cung cho thị trường...
Hạn chế mệnh lệnh hành chính
Tuy nhiên, 2 ngày nay, thị trường vàng lại xuất hiện những dấu hiệu bất thường khác. Lực mua đột ngột tăng mạnh trở lại, khoảng cách với giá thế giới lại tăng lên mức 3 triệu đồng/lượng. Các công ty kinh doanh vàng giải thích rằng khi giá vàng xuống vùng 44,5 triệu đồng/lượng, người dân bắt đầu quay trở lại mua vàng, đã đẩy giá tăng cao. Ngoài ra, tâm lý thị trường có vẻ “ổn định” hơn sau vài ngày bán tháo khi chưa thấy các biện pháp cụ thể của NH Nhà nước để rút ngắn khoảng cách với giá thế giới.
Nhiều thông tin cho rằng NH Nhà nước đang tính tới việc áp dụng biên độ giá vàng như ngoại tệ (có giá trần và giá sàn) để tiếp tục thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Tuy nhiên, theo những người am hiểu thị trường, đối với ngoại tệ, hiện đã có thị trường liên NH, đối tượng mua bán ít phổ biến hơn vàng… nên có thể áp dụng biên độ. Nhưng với vàng, hiện không có cơ chế cho phép các NH được vay mượn lẫn nhau, không có thị trường liên NH, lại biến động theo cung cầu thị trường nên không thể dùng biện pháp hành chính để áp đặt, ấn định giá.
Theo một chuyên gia am hiểu thị trường vàng, quản lý vàng cần theo tín hiệu thị trường, giải pháp thị trường chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính bởi khi “yêu cầu” DN giảm giá vàng nhưng nguồn cung thiếu hụt sẽ rất khó.
Nhiều rủi ro Theo ông Trần Thanh Hải, từ đầu năm 2013, giá vàng trở nên khó đoán hơn với việc NH Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, tổ chức lại mạng lưới kinh doanh vàng miếng mới và sẽ tham gia thị trường vàng với vai trò người điều tiết cuối cùng… Đến nay, giá vàng trong nước đã không chịu ảnh hưởng nhiều bởi giá thế giới, bằng chứng là thường xuyên biến động ngược chiều, rất khó đoán định. Điều này khiến nhiều DN, cá nhân mua bán vàng gặp rủi ro, thua lỗ nếu chỉ căn cứ vào giá thế giới. |